.

Những thợ hồ... áo trắng

.

Nghỉ hè không muốn về quê xa, muốn kiếm khoản tiền đóng học phí, nhà trọ, đang chờ xin việc, hoặc bị “đề trô” (rớt lớp, thi lại)... là lý do khiến nhiều sinh viên chọn việc thợ hồ trong những ngày nắng nóng tại các công trình  đang “khát” thợ xây dựng.

Lầm lũi nắng mưa

“Sinh viên làm thợ hồ cũng chuyên nghiệp như ai”. 

Cảnh (SV năm 2 - Trường Cao đẳng Giao thông 5), là thợ hồ vừa đầu quân cho anh chủ thầu một ngôi nhà trên đường Nam Cao (quận Liên Chiểu). Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng nhìn vào khối lượng công việc Cảnh làm thì người ngoài thấy ai cũng xuýt xoa, khen ngợi. Buổi sáng, đúng 7 giờ kém, Cảnh đến chỗ làm và bắt tay ngay vào việc vác chục bao xi-măng, kéo 20-30 xe rùa đất, gạch đá, sau đó trộn hồ cho thợ chính xây. Thỉnh thoảng, trong nhóm thợ ai cần gọi nước, đầm nền, lấy sắt thép, bay, giàn giáo là Cảnh lại loay hoay “tuân lệnh”. Buổi trưa mặc cho cái nắng hừng hực quất vào da thịt, anh thợ SV này vẫn âm thầm làm nốt nhiệm vụ của mình cho đến khi các thợ chính nghỉ ăn cơm. Ăn uống xong, Cảnh gối đầu lên mấy cái bao tải ngủ ngay trên nền nhà đang làm dang dở, vừa chợp mắt được 30 phút là thợ chính lại gọi dậy với đống vật liệu bừa bộn.

Mấy ngày nay, thời tiết thất thường, cứ khoảng 4-5 giờ chiều là Đà Nẵng đổ mưa. Đi dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành rẽ vào KDC Hòa Minh, nhiều căn nhà đang thi công dang dở, trên giàn giáo cao ngất ngưởng, thợ hồ Lê Văn Tân (SV ĐH Bách khoa) đang tất bật tháo dỡ mấy tấm tôn còn sót lại của căn nhà cũ. Mặc cho trời đổ mưa, sấm chớp giật liên hồi, Tân vẫn phải hoàn tất nốt phần việc trước khi xuống tránh mưa. Tân nói: “Chấp nhận làm nghề này, muốn được gọi đi làm thường xuyên phải tuân thủ mấy điều kiện như: không cãi lại chủ thầu, sai gì làm nấy và nhất là không được nhác việc...”.

Thành phố Đà Nẵng đang mùa xây dựng với tốc độ cao, hàng trăm công trình xây dựng mọc lên, trong đám công nhân xây dựng mặc áo xanh, rất nhiều khuôn mặt SV trẻ măng, khoác trên mình chiếc áo trắng lấm bụi bẩn đang lầm lũi mưu sinh bằng công việc của anh phụ hồ không chuyên.

Nỗi niềm thợ hồ áo trắng

Nhiều công việc phụ hồ tưởng chừng như quá sức với một SV. 

Ý (SV năm cuối, Trường Cao đẳng Công nghệ) ngồi kể: “Thợ hồ nghiệp dư chẳng qua trường lớp. Thấy mấy anh làm, em để ý vài lần rồi cũng làm được thôi. Khổ cái, chủ thầu nhận mấy đứa em vào để sai vặt. Mang tiếng việc nặng, nhưng số tiền công được trả chỉ bằng nửa các thợ khác thôi. Mỗi ngày được 50-70 chục ngàn, trừ ăn uống ra chẳng còn bao nhiêu. Xong công trình rồi, họ không thuê nữa thì đâu ai nhớ tới mình”. Nhân (SV ngành Môi trường, ĐH Sư phạm) cũng than thở: “Có lúc mệt thở không ra hơi cũng phải ráng, chẳng dám kêu ca, nếu nghỉ giữa chừng là bị mất tiền ngay. Thứ bảy, chủ nhật bạn bè ngồi rung đùi uống cà-phê ở quán xá, thì em phải đứng trên giàn giáo để tô tường, quét sơn. Mặc cho bụi bặm, nắng mưa, nguy hiểm, miễn giải quyết được một phần tiền học phí cho năm học tới thì cực mấy em cũng ráng...”.

Nói về công việc của mình, Cảnh tâm sự: “Các bạn em, ai cũng muốn kiếm việc làm thêm nhẹ nhàng như đi dạy kèm, phục vụ nhà hàng, quán nhậu, chứ ít người làm phụ hồ như em. Công việc này nặng nhọc, không  phải SV nào cũng đủ sức khỏe để làm, nhưng vì hoàn cảnh, em phải chấp nhận thôi. Có hôm việc nhiều, ráng sức quá mà ngay hôm sau bị cảm không đi làm được, chủ thầu chửi mắng, mệt thì mệt cũng phải đi vì sợ chủ thầu cho nghỉ việc luôn…”.

Hôm chúng tôi đi thực tế để viết bài tại một công trình nhà dân ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, bất ngờ gặp một thanh niên mặc áo trắng (sau này mới biết là SV ĐH Bách khoa) tay lăm lăm con dao nhọn đứng cãi nhau với một chủ thầu. Lời qua tiếng lại, người thanh niên kia đòi phải trả tiền công một tuần phụ hồ của mình. Anh chủ thầu thách thức: “Còn lâu tao mới trả tiền. Đang làm chỗ tao, tại sao mày nghỉ để đi làm cho người  khác”.

Cũng như những thợ hồ không có hợp đồng, những SV làm nghề này không có một ràng buộc nào cả từ phía chủ thuê. Gọi là đội quân “chỉ đâu đánh đấy” cho nên cứ hết công trình này vài ngày, chủ thầu gọi đi chỗ khác. Cơm tự ăn, chỗ ở tự lo, làm ngày nào tính tiền công ngày đó. Ốm đau, tai nạn vô tình xảy ra, chủ thầu không quan tâm. Vì vậy, giới SV phụ hồ nói với nhau: “Nghề gì mà tệ, chủ thầu không quan tâm, chủ nhà cũng không thèm để ý”.

Bài và ảnh: X.Duyên

;
.
.
.
.
.