.

Nỗ lực trước mùa mưa

.

Báo Đà Nẵng ra ngày 14-6 có bài viết phản ánh tình trạng ngập nước trên nhiều tuyến đường sau những cơn mưa giông vào đầu tháng 6 vừa qua. Trong những ngày này, nhiều công trình, phần việc xử lý ngập úng đang được các cán bộ, công nhân viên Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng nỗ lực thi công hoàn thành trước mùa mưa.

Đường Lê Duẩn đoạn từ Hoàng Hoa Thám đến Ông Ích Khiêm, hễ cứ mưa to là ngập nước.  

Hễ có trận mưa lớn là hơn 100m đường Đỗ Quang sát giao lộ với đường Lê Đình Lý, kiệt 142 và 191 (đường Đỗ Quang) bị ngập sâu gần 1 mét. Hầu hết nhà dân trong khu vực này đã tôn nền nhà rất cao so với mặt đường, song cũng không thoát khỏi cảnh nước tràn vào nhà. Người dân trong khu vực cho hay, do nền đường Đỗ Quang thấp hơn nhiều so với đường Lê Đình Lý và Nguyễn Hoàng nên nước mưa chảy về rất nhiều, hệ thống mương thoát nước kém gây nên tình trạng ngập úng.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc đường kiệt 191 - Đỗ Quang, nhiều cửa thu nước đã bị người dân dùng gạch, đá che kín, thậm chí còn dùng vữa trát gần kín cửa thu. Theo Công ty TN&XLNT Đà Nẵng, để giảm ngập úng cho khu vực này, trước mắt công ty đề xuất thành phố cho tiến hành nạo vét bùn đang ngập cao 0,5m, với khoảng 800m3 bùn cát trong lòng mương liên phường Mê Linh (chiều rộng: 1,6-1,9m, cao: 0,9-1,2m, kéo dài hơn 1km từ đường Đỗ Quang, băng ngang qua đường Nguyễn Hoàng, Trưng Nữ Vương nối với tuyến cống hộp trên đường Lê Đình Thám); mở cửa thu, lắp đặt 16 hố ga ngăn mùi đúc sẵn đối với đoạn mương từ đường Nguyễn Hoàng về giao lộ Trưng Nữ Vương – Lê Đình Thám vì hiện tại không có hệ thống thu nước mặt, nước thoát chậm, gây nên tình trạng ngập úng vào mùa mưa.

Còn về lâu dài cần nâng cao nền đường Đỗ Quang, đầu tư xây dựng cống mới và cả tuyến mương liên phường Mê Linh. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý cho nạo vét mương và mở cửa thu, lắp đặt hố ga ngăn mùi, hoàn thành trước mùa mưa; thiết kế lại tuyến mương liên phường Mê Linh cho phù hợp để bảo đảm thoát nước, giao Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập báo cáo quy mô đầu tư công trình để đầu tư xây dựng…

Để bảo đảm khơi thông thoát nước và hạn chế ngập úng trong mùa mưa bão sắp đến, Công ty TN&XLNT Đà Nẵng đã khảo sát tổng cộng 27 vị trí cần nạo vét, chia làm 3 đợt nạo vét. Theo đó, đợt 1 - từ ngày 1-4 đến 15-6, tập trung nạo vét 10 tuyến mương ở các điểm ngập úng trầm trọng và xảy ra thường xuyên với gần 2.000m3 bùn cát, gồm các tuyến mương bao quanh hồ Thạc Gián; đường Hàm Nghi đoạn từ đường Tản Đà đến Nguyễn Văn Linh; bao quanh hồ Vĩnh Trung - đường Hùng Vương - Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm; đường Quang Trung đoạn từ đường Lê Lợi đến Nguyễn Thị Minh Khai; đường Hà Huy Tập đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến Nguyễn Nghiêm; kênh khu dân cư Hòa Phát - Trung Nghĩa...
 
Đợt 2 tiến hành nạo vét 16 tuyến cống ở các điểm nóng về ngập úng trên đường phố và khu dân cư đô thị với khoảng 2.900m3 bùn cát gồm các tuyến: Bàu Thạc Gián - đường Phan Thanh - tường rào Công viên 29-3, đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Thoại, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Phan Vinh, đường Hùng Vương đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến Hàm Nghi...; đợt 3, dự kiến nạo vét 20 tuyến mương ở các điểm ngập úng trên đường phố và khu dân cư theo đề nghị của UBND các quận, huyện sau cuộc họp báo cáo thường niên, với khoảng 2.100m3 bùn cát...

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Nhân - Phó Giám đốc Công ty TN&XLNT Đà Nẵng, hiện kinh phí nạo vét chỉ mới nhận được của đợt 1, đợt 2 và 3 chưa có. Mặt khác, công ty vừa mới tách ra từ tháng 2-2010, nhân vật lực còn rất thiếu thốn (chỉ mới có 1 xe hút bùn không chuyên dụng, công suất yếu và 3 máy bơm nước nhỏ, 1 máy bơm nước) nhưng lại quản lý đến 650km chiều dài mương, cống thoát nước trên toàn địa bàn thành phố, trong khi đó vấn đề thoát nước lại đòi hỏi rất lớn.

Mong thành phố quan tâm, bố trí kinh phí để công ty hoàn thành kế hoạch nạo vét mương, cống thoát nước trước mùa mưa và mua xe hút bùn chuyên dụng, xe xuồng, máy bơm nước công suất lớn để nâng cao năng suất chống ngập úng, thoát nước... Theo chúng tôi, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, sự quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, khắc phục bất cập và xây dựng các công trình chống ngập úng của thành phố, mỗi người dân cũng cần có ý thức bảo vệ các hạng mục công trình thoát nước, nhất là ở trước các công trình xây dựng, tránh làm sập cống và thải bùn hút, nước thải có hàm lượng cao chất kết dính xuống lòng cống gây tắc nghẽn và khó giải quyết.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.