Báo Đà Nẵng số ra ngày 13-5-2010 có bài viết “Xử lý nước thải đổ ra sông Cẩm Lệ”, phản ánh tình trạng nước thải từ Trạm xử lý nước thải Hòa Cường đổ ra sông Cẩm Lệ nhuộm đen cả một khúc sông, bốc mùi hôi thối và các phương pháp xử lý màu, mùi nước thải đã và đang được tiến hành…
Mới đây, báo cáo vấn đề xử lý mùi hôi tại Trạm xử lý nước thải Hòa Cường tại cuộc họp chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố do Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh chủ trì, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, với mục đích thu gom khí phát sinh trong hồ kỵ khí dẫn đến bồn chứa lọc mùi bằng than hoạt tính, đồng thời tăng cường phun thêm chất khử mùi Enchoice và dập bọt phát sinh trong quá trình nước thải chảy ra hố ga, Trung tâm Kỹ thuật môi trường đã lắp đặt xong hệ thống khử mùi hôi và hệ thống dập bọt với tổng kinh phí 448 triệu đồng. Trong đó, hệ thống khử mùi hôi gồm: Hệ thống phun dung dịch tại kênh dẫn; xây dựng tháp khử mùi; lắp đặt hệ thống quạt hút cao áp và hệ thống đường ống thu gom khí từ các hố ga về tháp khử mùi, hiện đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Hệ thống dập bọt gồm: 2 bơm phun dung dịch khử mùi và 1 bơm phun nước dập bọt, được công ty trực tiếp vận hành thường xuyên, liên tục và cơ bản bọt đã giảm…
Một khó khăn của Trạm xử lý nước thải Hòa Cường là có công suất lớn nhưng vùng đệm (cây xanh) nhằm ngăn bớt sự lan tỏa mùi hôi ra xung quanh lại khá hẹp, công ty đã triển khai trồng bổ sung 549 cây keo lai hom xung quanh trạm. Công ty cũng đã trình Sở Tài nguyên-Môi trường thẩm tra phương án dùng hóa chất Clorin khử trùng nước thải tại 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trong 6 tháng cuối năm 2010, theo đó, xử lý tại hố ga đầu tiên của cửa ra hệ thống xử lý nước thải với liều lượng 1kg Clorin khử trùng cho 1.000m3 nước thải…
Kết luận cuộc họp chuyên đề, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh chỉ đạo tiếp tục sử dụng công nghệ của Trung tâm Kỹ thuật môi trường (thủy từ) để khử mùi hôi, đồng thời giao Sở Tài nguyên-Môi trường, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải làm việc với đối tác về kinh phí của công nghệ xử lý nêu trên để xem xét hiệu quả về mặt kinh tế, nếu phương pháp xử lý mùi này cho kết quả tốt và có giá cả hợp lý thì có thể áp dụng mở rộng để xử lý mùi hôi tại các khu vực khác trên địa bàn thành phố.
Sở Tài nguyên-Môi trường khẩn trương thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán theo quy định để Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tổ chức triển khai trồng bổ sung cây xanh xung quanh; xây dựng hệ thống phun sương; lắp đặt đan bằng vật liệu composite trên kênh dẫn vào hồ kỵ khí Trạm Xử lý nước thải Hòa Cường với chiều dài 217m, nhằm hạn chế mùi hôi phát tán trong quá trình nước thu về kênh dẫn trước khi đổ vào hồ kỵ khí…
Đối với công trình xây dựng mương dẫn, giếng bơm, lắp đặt 3 máy bơm chìm và 520m đường ống HDPE đường kính 250mm dẫn nước thải từ đoạn kênh hở hồ Công viên Khuê Trung về Trạm Xử lý nước thải Hòa Cường xử lý, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục xây dựng cơ bản tiếp theo và tập trung nhân vật lực khẩn trương thi công hoàn thành công trình để vận hành vào cuối tháng 6-2010, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường của đoạn kênh hở này.
HOÀNG QUYÊN
Về việc trồng cây lá lốt trên dải phân làn
Vừa qua, Báo Đà Nẵng có nhận được ý kiến “Thấy gì trên dải phân làn đường Lê Văn Hiến” của bạn đọc Quốc Cường (Đà Nẵng), phản ánh và nêu ra ý kiến không nên trồng cây lá lốt trên dải phân làn đường Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn). Qua trao đổi vấn đề trên với lãnh đạo Công ty Cây xanh Đà Nẵng, chúng tôi được biết:
Cảnh quan cây xanh dải phân làn đường Lê Văn Hiến do Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông-công chính điều hành dự án và Viện Quy hoạch Xây dựng thiết kế; đơn vị thi công là Công ty Lê Nguyễn Khánh Vi và hạng mục công trình này đang trong giai đoạn triển khai thi công. Chủng loài cây đang được trồng trên dải phân làn gồm các loài: Bông giấy, Bông bụt, Chuỗi ngọc, Mắt ngọc...
Theo Công ty Cây xanh thì phần lớn các cây này là phù hợp, có khả năng phát triển tốt, tạo cảnh quan. Tuy nhiên, có một loài được chọn để trồng làm cây viền là cây lá lốt (có tên khoa học Piper lolot thuộc họ Hồ tiêu), đó là một loại rau được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Lá lốt là một loài cỏ có căn hành, thân đứng cao 30-40cm, lá hình tim, phát hoa dài 15mm.
Theo lãnh đạo Công ty Cây xanh, việc trồng lá lốt là không phù hợp vì cây có hình thái không đẹp, lại là cây ưa bóng râm và đòi hỏi độ ẩm cao thường xuyên trên 80%, khó có khả năng chống chọi các điều kiện nắng nóng, khô hanh ở khu vực; cây có lá quá lớn nên rất khó tạo hình đường viền khi cắt tỉa, tạo cảnh quan.
Việc quy hoạch thiết kế, bố trí chủng loài cây xanh trên tuyến đường Lê Văn Hiến, Công ty Cây xanh Đà Nẵng không được biết để góp ý kiến, cũng như không thi công trồng và chưa được bàn giao quản lý, chăm sóc.
Qua đây, Báo Đà Nẵng đề nghị đơn vị chủ đầu tư hạng mục cảnh quan cây xanh dải phân làn đường Lê Văn Hiến kiểm tra, có cách trồng cây phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa bàn nêu trên.
Phòng Bạn đọc
.
.
Phản hồi
Xử lý mùi hôi tại Trạm xử lý nước thải Hòa Cường
Thứ Ba, 22/06/2010, 09:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.