.
Phòng chống cháy, nổ mùa hè

Kỳ 1: Cháy nổ - Hiểm họa luôn rình rập

.

Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, chỉ cần sơ suất, một mồi lửa có thể thiêu rụi cả một gia tài, thậm chí tính mạng con người cũng không ngoại trừ. Do đó, chưa bao giờ công tác PCCC lại được sự quan tâm không chỉ lực lượng chức năng mà cả người dân, các cơ quan, doanh nghiệp khi thời tiết đang nắng nóng một cách bất thường như hiện nay.

Thiệt hại lớn từ những vụ hỏa hoạn

Chợ là “điểm nóng” ẩn họa cháy nổ trong mùa hè. 

Trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn cũng như công tác PCCC tại chỗ còn nhiều mặt hạn chế. Vì vậy, mỗi khi có vụ cháy nổ xảy ra, dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có nhanh đến mức nào cũng không thể hạn chế nổi thiệt hại. Nhìn lại một số vụ cháy lớn xảy ra gần đây mới thấy được thiệt hại do cháy gây ra là không nhỏ. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó cũng chưa đủ thức tỉnh người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong vấn đề chủ động PCCC.

Lúc 9 giờ 30 ngày 7-6, tại xưởng cơ khí ô-tô 600 thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ và vận tải ô-tô số 6 (nằm trên đường số 6, KCN Hòa Khánh) đã xảy ra một vụ cháy lớn. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC Khu công nghiệp Hòa Khánh đã điều động 3 xe chữa cháy đến hiện trường. Tuy nhiên, do đám cháy quá lớn nên Phòng Cảnh sát PCCC, Công an thành phố Đà Nẵng phải huy động thêm cán bộ, chiến sĩ và 2 xe chữa cháy đến hiện trường. Qua hơn 1 giờ khẩn trương chữa cháy, ngọn lửa mới được dập tắt. Tuy nhiên, hậu quả để lại khá lớn, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. 

Trước đó, vào lúc 10 giờ 30 ngày 18-4, tại kho phế liệu của ông Ng.V.Ng, thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đã xảy ra hỏa hoạn. Nhận tin báo của người dân, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường để chữa cháy. Sau nhiều giờ, đám cháy được dập tắt nhưng lúc đó, trong kho phế liệu không còn gì ngoài những vụn tro đen. Thiệt hại do hỏa hoạn gây ra cho ông Ng. lên đến hơn 100 triệu đồng. 

Trong năm 2009, tại địa bàn quận Cẩm Lệ xảy ra một vụ cháy xưởng gỗ gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Đó là vụ xảy ra vào khoảng 4 giờ sáng 10-7, tại xưởng gỗ của Công ty cổ phần Xuất khẩu lâm sản Đà Nẵng (phường Hòa Thuận Tây, quận Cẩm Lệ) đột ngột bốc cháy dữ dội, thiêu rụi hơn 1.000 thùng gỗ thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu sang châu Âu theo đơn đặt hàng. Mặc dù được công nhân công ty phát hiện kịp thời và báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường, nhưng sau gần 4 giờ đồng hồ, vụ hỏa hoạn mới được dập tắt. Theo Phòng Cảnh sát PCCC, đây là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn trong thời gian gần đây...

Chợ, khu dân cư - nơi ẩn họa cháy, nổ

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố Đà Nẵng, từ ngày 1-12-2009 đến hết ngày 31-5-2010, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 64 vụ cháy, nổ (tăng 20 vụ so với cùng kỳ, thiệt hại 240 triệu đồng). Trong đó cháy, nổ ở khu dân cư chiếm gần 50% số vụ. Thượng tá Nguyễn Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC cho biết, dù số vụ cháy tăng nhưng chưa có xảy ra cháy lớn. Tuy nhiên, dưới cái nắng nóng của miền Trung, cháy nổ luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cao, đặc biệt ở các khu dân cư, chung cư, chợ, xưởng may, xưởng gỗ, cây xăng... Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân trong việc sử dụng lửa, điện sinh hoạt.

Trong tất cả những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ thì chợ và khu dân cư vẫn luôn là điểm nóng. Trước hết, cháy, nổ ở chợ là vấn đề báo động mà lực lượng chức năng đang tìm cách tháo gỡ. Theo Thượng tá Phong, hầu hết các chợ, siêu thị nhỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (chợ Cồn). Bởi lẽ đây là một ngôi chợ xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp, gian hàng chật hẹp, mặt bằng chợ quá tải, hệ thống điện chiếu sáng, đường thoát nạn và một số phương tiện chữa cháy đã lỗi thời. Đây là một điểm nóng về nguy cơ cháy nổ trong mùa hè. Hơn nữa, qua tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường nội bộ trong chợ dành cho xe chữa cháy đi vào khi có sự cố cháy nổ xảy ra cũng bị nhiều tiểu thương ngang nhiên lấn chiếm, nhằm tận dụng phần mặt bằng kinh doanh. Nếu có hỏa hoạn xảy ra tại bất kỳ địa điểm nào trong chợ thì tai họa khó lường, bởi lúc đó mọi con đường đã bị tắc nghẽn hoặc không đủ rộng để lực lượng làm nhiệm vụ triển khai công tác chữa cháy. 

Ngoài chợ, các khu dân cư cũng đang báo động về tình trạng cháy nổ trong mùa hè. Trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 31 vụ cháy tại khu dân cư, thiệt hại tuy không lớn nhưng con số trên khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Nguyên nhân trước tiên dẫn đến cháy nổ là ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số nhà dân đều không sử dụng phương tiện chữa cháy. Bên cạnh đó, điện sinh hoạt, quạt trần lắp đặt sơ sài, nên khi đóng mở điện bất thường cũng dễ xảy ra tình trạng chập điện phát hỏa. Hơn thế nữa, trong các khu dân cư, nhà cửa thường san sát nhau, đường sá chật hẹp… nên mỗi khi có hỏa hoạn xảy ra thì lực lượng chức năng không thể đưa phương tiện vào chữa cháy. Nguy cơ cháy lan trong khu dân cư khi có hỏa hoạn là rất cao. Để hạn chế tình trạng cháy, nổ, người dân cần nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.