.
Qua đơn thư bạn đọc

Nỗi khổ của người dân Phước Sơn

.

Những năm gần đây, hàng trăm hộ dân ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang phải chịu nhiều nỗi khổ do đường sá thi công dang dở; bầu không khí thường xuyên nồng nặc mùi hôi từ trạm chế biến thức ăn cho cá tỏa ra, khói đen từ 2 lò gạch, mùi tanh hôi của dòng nước đổ về từ hồ Đồng Nghệ do việc nuôi cá lồng trong lòng hồ; tiếng nổ phá hủy đạn pháo và nước giếng nhiễm phèn nặng phải nhọc công đi xa chở nước về dùng.

Nhiều giếng nước bị nhiễm phèn nặng, người dân thôn Phước Sơn phải đi xa chở nước về dùng.

Đường ĐT409 vào thôn khá hẹp, nhưng hơn 1 năm qua, đơn vị thi công đã đào một bên đường lên để sửa chữa và để vậy, trở thành “cạm bẫy” cho người đi xe đạp, xe máy, khiến chúng tôi, trên đường đi vào thôn phải nhiều lần lao xe máy xuống đoạn đường đào dỡ này để tránh những chiếc xe tải chở đất chạy ngược chiều. Chở 2 bình nước giếng từ nhà bà con trên tổ 4 về nhà dùng, chị Thái Thị Thương (ở tổ 3) cho biết: “Cả tổ 3 với hơn 50 nhà dân mà nhà nào nước cũng nhiễm phèn nặng, phải lấy xe máy đi lên trên kia xin nước giếng chở về để nấu ăn.
 
Còn việc tắm, giặt, rửa ráy vẫn phải dùng nước giếng phèn thôi chứ công sức đâu mỗi ngày đi khênh nước mấy vòng, mà đường sá, xe cộ thế này cũng sợ quá”. Còn người dân ở tổ 4, gần Trường bắn Đồng Nghệ (của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) thì bức xúc phản ánh, trường bắn đang trong quá trình hình thành và khá gần khu dân cư, nên lâu lâu, cả thôn đều dựng đứng, sợ tái mặt, nhà cửa rung bần bật vì hủy đạn gây tiếng nổ quá lớn. Mà mỗi lần hủy đạn như vậy kéo dài đến mấy ngày, bà con như bị tra tấn, một số nhà dân đã bị nứt, các bao cát để trên mái nhà chống bão cũng vỡ tung, cát chảy lòa xòa…

Hằng ngày bà con còn khiếp đảm với mùi hôi tỏa ra từ một trạm chế biến thức ăn cho cá ở dưới chân hồ Đồng Nghệ. Việc nuôi cá trong lòng hồ khiến nước từ hồ chảy về qua khu dân cư có màu xanh lè và bốc mùi hôi tanh. Người dân cũng rất bức xúc trước việc chính quyền địa phương cho phép một công ty đào hồ nuôi trồng thủy sản tràn lan dưới chân đập hồ Đồng Nghệ, phần đất mặt được bốc lên hàng trăm chuyến xe ô-tô tải mỗi ngày chở vào Quảng Nam làm gạch, gây bụi bặm và mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến ĐT409 vốn đã hẹp.

Công trình khai thác suối nước nóng Phước Sơn sau gần 10 năm triển khai vẫn mới chỉ được tường rào và nền đất.  

Người lớn nhiều lúc cũng phải luống cuống, nhiều học sinh đi học về do phải tránh những chiếc xe tải chở đất mà ngã nhào vào lề đường. Ngoài ra, vấn đề khá bức xúc là không hiểu vì sao chính quyền địa phương trong quá trình xóa các lò gạch thủ công (9 lò) theo quyết định của Chính phủ lại để tồn tại 2 lò, mỗi khi hoạt động đều thải khói đen, gây ô nhiễm môi trường, làm hại cây trồng, thủy sản. Anh Thuận, ở tổ 4 còn bức xúc phản ánh: “Một hộ chăn nuôi lợn vô tư xả nước thải chảy vào tuyến mương cung cấp nước sản xuất nông nghiệp chạy dọc đường ĐT409 tỏa mùi hôi rất khó chịu. Hộ này còn chăn nuôi hàng ngàn con gà, không chỉ gây mùi hôi, mà cứ đến mùa mưa là sinh ruồi nhiều vô kể, nhiều bữa phải ngồi trong màn mà ăn cơm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Phước Sơn cho biết: “Đúng là người dân trong thôn phải khổ sở đủ bề với vấn nạn đường sá mất an toàn giao thông, nước uống nhiễm phèn, môi trường bị ô nhiễm… Chi bộ cũng đã nhận được ý kiến của người dân về việc phá hủy đạn gây tiếng nổ quá lớn, khiến có nhà bị nứt. Đối với việc các giếng nước bị nhiễm phèn, vừa rồi có một tổ chức phi chính phủ lên khảo sát và định hỗ trợ kinh phí đóng các giếng nước, song lại nhận thấy rằng nếu đóng giếng mà nước vẫn bị phèn thì quá lãng phí, nên thôi. Kiến nghị huyện, xã và Công ty Cấp nước sớm kéo nước máy về cho dân dùng, vì nước máy đã đến được thôn bên cạnh rồi. Về kinh phí, nếu quá lớn, chúng tôi sẽ cố gắng vận động nhân dân đóng góp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Về việc nuôi cá trong lòng hồ Đồng Nghệ, trạm chế biến thức ăn cho cá, các trại chăn nuôi, 2 lò gạch gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm, xử lý, chỉ đạo giảm thiểu tình trạng ô nhiễm như hiện nay”.

Qua đây, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp xử lý các đơn vị vi phạm, giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri và người dân thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, cải thiện đời sống và môi trường sống trong lành cho người dân vùng quê nghèo, yên ả này. 

Cử tri thôn Phước Sơn còn bức xúc phản ánh tình trạng thi công manh mún, cầm chừng công trình sản xuất nước khoáng đóng chai và suối nước nóng chữa bệnh ở khu vực suối nước nóng Phước Sơn, do Công ty Thực phẩm và Đầu tư công nghệ thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) làm chủ đầu tư. Công trình đã triển khai gần 10 năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cử tri phản ánh nhiều lần, cứ đến kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố là thấy tốp thợ lên thi công, làm gì đó trong công trường rồi sau đó vắng lặng. Để tránh lãng phí, thất thu, cử tri đề nghị thành phố có biện pháp quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư sớm thi công hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng hoặc chuyển cho đơn vị khác đầu tư, khai thác. 


Bài và ảnh: Nam Trân

;
.
.
.
.
.