.

Trách nhiệm không của riêng ai

.

Trong những năm qua, có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới cũng như công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã được ban hành khá đầy đủ, thể hiện trong các văn bản luật, như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Bình đẳng giới…

Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo là tinh hoa văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. TRONG ẢNH: Đại gia đình của ông Trịnh Tạo, tổ 19, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê tại Hội thi Cụ ông cụ bà đẹp lão thành phố Đà Nẵng do Trung tâm VH-TT thành phố tổ chức. 

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy quá trình bình đẳng giới ở nước ta. Hiện nay, quan hệ vợ chồng là quan hệ bình đẳng, dân chủ bởi cả hai đều cùng lao động nuôi con cái và có trách nhiệm với gia đình, cho nên cần có tinh thần tương trợ lẫn nhau; cùng góp sức, tự nguyện, tự giác để bảo đảm cuộc sống ổn định, êm ấm của gia đình.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, nhiều địa phương, từ thành phố đến nông thôn; trong mọi gia đình, bất kể sự khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp. Nghiên cứu khảo sát về gia đình Việt Nam của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu về gia đình và giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho thấy, hiện nay ở Việt Nam có tới 21,2% các cặp vợ chồng đã từng trải qua một dạng bạo lực gia đình nào đó như đánh đập, nhục mạ hay cưỡng ép tình dục. Cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng trải qua các hình thức bạo lực gia đình nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực, bởi chỉ có 0,6% phụ nữ đánh chồng so với 3,4% số nam giới đánh vợ. Trong các trường hợp bạo lực gia đình, các cặp vợ chồng hiếm khi chia sẻ vấn đề của họ với bố mẹ, bạn bè hoặc chính quyền do lo sợ bị mất mặt hoặc “vạch áo cho người xem lưng”...

Bạo lực gia đình không những gây nên sự xáo trộn trong cuộc sống cộng đồng, ảnh hưởng đến xã hội, mà còn làm tổn hại sức khỏe và sự phát triển của các thành viên trong gia đình, tạo sự rạn nứt, tan vỡ của gia đình và là sự vi phạm thô bạo quyền con người. Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan, lẫn khách quan dẫn đến tình trạng này, liên quan đến các vấn đề dân trí, kinh tế, giáo dục, trong đó có một phần không nhỏ do việc buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm tuyên truyền, vận động và chưa có đầy đủ những phương thức phòng, chống hiệu quả.

Việc thực hiện bình đẳng giới cũng như PCBLGĐ giúp con cái mỗi gia đình được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, học hành tốt, lớn lên trở thành những công dân tốt của gia đình và xã hội. Sự quan tâm, giáo dục của gia đình đối với con cái là môi trường quan trọng giúp các thành viên trong gia đình hòa nhập vào cộng đồng và xã hội, thích ứng với đòi hỏi về nghề nghiệp, đạo đức, vốn sống, tránh những tệ nạn xã hội nảy sinh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những tác hại của vấn nạn và sự yếu kém trong công tác PCBLGĐ, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình và tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, ngày 21-11-2007 đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ðiều 35, khoản 2 của Luật cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị thực hiện quyền quản lý Nhà nước về vấn đề này: “Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Để thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số cần: Tăng cường tuyên truyền giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới trong gia đình, được quy định trong các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Từ cơ sở đó, mỗi người ý thức tốt về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường, giúp cho thanh-thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống. Từ đó các em có ý thức trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện Luật bình đẳng giới ở nước ta hiện nay, để từ đó mỗi người có ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới. Trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp.

Có như vậy, vấn đề bình đẳng giới trong gia đình mới góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; cũng từ đó góp phần xây dựng sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. 

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.