.

Từ việc làm nhỏ hướng đến mục đích lớn

.

Bác Hồ nói “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Ngày nay, phải làm sao để giữ được cho các em khí chất trong sáng, hồn nhiên và chăm ngoan, đó  chính là trách nhiệm của cả xã hội.

Ngày hội mổ heo đất vì bạn nghèo tại Sơn Trà. 

Ngày vàng vì bạn nghèo

Cuối năm 2009, hai em Đặng Thành (học sinh lớp 5/3) và Đặng Thị Ánh Tuyết (học sinh lớp 3/1) Trường TH Triệu Thị Trinh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đứng trước nguy cơ phải nghỉ học khi cha mẹ các em đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Kiên quyết  không để các em phải nghỉ học, nhà trường cùng Liên đội đã quyết định không thu các khoản  học phí mà các em phải đóng theo quy định, đồng thời tổ chức đến tận nhà động viên, tặng sách, vở, áo quần giúp các em tiếp tục đến lớp. Một phần kinh phí sử dụng để mua quà cho các em được trích từ nguồn quỹ “Ngày vàng vì bạn”.
 
Đây là nguồn quỹ rất ý nghĩa, được chính các em học sinh trong trường tự nguyện đóng góp từ tiền nhịn ăn quà vặt (500 đồng/em/tuần) với mục đích giúp đỡ bạn nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Còn tại Trường TH Hòa Phước 1 (huyện Hòa Vang), từ chương trình “Nuôi heo đất”, quỹ Kế hoạch nhỏ (thu gom vỏ lon bia vào dịp Tết),  năm học 2009-2010 vừa qua, học sinh trong trường đã quyên góp được 2 triệu đồng để giúp đỡ bạn nghèo và xây dựng công trình Măng non phục vụ học tập trong năm học tới.

Số tiền tuy không lớn nhưng với những học sinh vùng khó khăn, thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ lũ lụt như Hòa Phước thì đây là sự cố gắng đáng ghi nhận. Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thu, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Triệu Thị Trinh chia sẻ: “Phần lớn các em học sinh trong trường đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều em cha mẹ phải bươn chải làm ăn nên ít được quan tâm, đôn đốc việc học tập. Dù vậy, bất cứ hoạt động nào nhà trường tổ chức, các em luôn nhiệt tình hưởng ứng. Phương châm của chúng tôi là “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Học trò nghèo nhưng tấm lòng của các em không hề nghèo chút nào. Đó là điều đáng được trân trọng”.

Được biết, năm học 2009-2010, qua hai đợt phát động chương trình “Nuôi heo đất” vì bạn nghèo, 18 trường TH và THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu đã quyên góp được gần 50 triệu đồng. Trong đó, trích 10% đóng góp vào Quỹ vì người nghèo của thành phố. Từ những chương trình “Ngày vàng vì bạn”, “Thắp sáng ước mơ”, nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia kịp thời từ phía nhà trường và bè bạn. Cũng chính từ những sẻ chia tưởng chừng đơn giản đó, nhưng nếu biết cách tuyên truyền và hướng dẫn, sẽ góp phần giáo dục cho các em những bài học làm người quý báu.

Giáo dục từ việc làm nhỏ hướng đến mục đích lớn

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Kim Oanh, Tổng phụ trách Đội Trường TH Hòa Phước 1 cho rằng, giáo dục học trò phải kiên trì, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất. Riêng học trò ở bậc tiểu học, đặc điểm tâm lý của các em là thích được tuyên dương và bắt chước. Như việc nhà trường thường xuyên biểu dương những học sinh nhặt được của rơi đem trả lại. Chỉ qua vài tuần, rất nhiều em dù chỉ nhặt được cây bút, 500 đồng, hay một đôi dép cũng đem lên nộp cho Tổng phụ trách Đội. Để thực hiện hiệu quả các chương trình “Kế hoạch nhỏ”,  “Nuôi heo đất”, “Thắp sáng ước mơ”, “Đôi bạn học tập”, “Nhặt của rơi đem trả”... nhà trường luôn tuyên truyền, giải thích cụ thể đến từng lớp học về mục đích, ý nghĩa của việc các em đang làm.
 
Trong 10 năm làm Tổng phụ trách tại Trường TH Hòa Phước 1, cô giáo Kim Oanh nói rằng sẽ không bao giờ quên được giây phút học trò của mình đã òa khóc trong buổi chào cờ cuối năm  khi nghe tin thầy giáo cũ Lương Văn Lãm qua đời. Các em đã chủ động tự mua vòng hoa, hương đèn đến tiễn biệt thầy. “Với người làm nghề giáo như chúng tôi, những giọt nước mắt của các em là phần thưởng lớn lao, bởi ở một mức độ nào đó, những bài dạy, những việc làm nhỏ mà chúng tôi hướng cho các em làm đã giúp các em giữ được tình người trong sáng. Các em biết phân biệt được điều tốt, điều xấu. Đó là thành quả đáng mừng”.

Có một vị phụ huynh đã từng tâm sự với chúng tôi rằng, điều chị trăn trở nhất bây giờ là làm sao giáo dục con mình không vô cảm trước cuộc sống. Cứ mỗi lần xem lại những thước phim học trò đánh nhau trên mạng, chị lại đau xót vô cùng. Chị bảo, nó vô cảm với bạn bè, với những người xung quanh rồi nó cũng sẽ vô cảm với chính người thân của mình. Thỉnh thoảng chị lại chở con đến các Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam để chúng thấy được mình may mắn thế nào và vì sao  trong cuộc sống cần sự chia sẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động ngoại khóa, từ nhiều năm nay, hoạt động này đã trở thành một phần giáo dục quan trọng, là tiêu chuẩn để đánh giá thi đua của trường, lớp. Chị Phan Thị Thúy Linh, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố nói: “Chăm lo, giáo dục đạo đức, truyền thống cho học sinh là một trong hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hoạt động Đội. Đội không chỉ tổ chức cho các em vui chơi, nhảy múa mà còn hướng dẫn, tuyên truyền các em từ những việc làm nhỏ nhưng  có ý nghĩa và thiết thực. Đội cũng luôn là nơi lắng nghe các em góp ý và chia sẻ những suy nghĩ về trường, lớp, bạn bè. Trong thời gian tới, Hội đồng Đội thành phố sẽ tổ chức và xoáy sâu vào các hoạt động gắn với nhu cầu, sở thích của các em, đồng thời lồng ghép vào giáo dục đạo đức”.

Với mục đích sử dụng nguồn quỹ Đội nhằm duy trì hoạt động, thăm, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công cách mạng; giúp đỡ học sinh nghèo… năm học 2009-2010, từ các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghìn việc tốt”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Người con hiếu thảo” Hội đồng Đội của hơn 150 trường TH, THCS trên địa bàn thành phố đã quyên góp được gần 225 triệu đồng; từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã quyên góp được 500 triệu đồng (trong đó trích 10% để đóng góp xây dựng khu di tích Kim Đồng tại tỉnh Cao Bằng.). Hưởng ứng chương trình “60 ngày hành động vì người nghèo” của thành phố năm 2009, Hội đồng Đội đã phát động chương trình “Nuôi heo đất”, quyên góp được 250 triệu đồng góp vào quỹ vì bạn nghèo.  


Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.