.

“Uống bia có trách nhiệm”, bao giờ ?

.

“Uống bia có trách nhiệm” là cuộc vận động do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động từ tháng 3-2010. Đây là lần đầu tiên Ủy ban ATGT quốc gia tập trung “đánh” mạnh vào vấn đề có thể nói là đang ở mức báo động: Rượu, bia và TNGT. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra có thể nói rất khó đem lại một kết quả khả quan.

Báo động tình trạng TNGT do rượu, bia

Đã vô quán nhậu, hiếm có người nào chỉ uống 2/3 chai bia.  

Theo một nghiên cứu phối hợp giữa Ủy ban ATGT quốc gia và Hiệp hội An toàn đường bộ vừa thực hiện, trung bình mỗi năm cả nước có đến 12 ngàn người chết vì tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có khoảng một ngàn người chết với nguyên nhân có liên quan đến rượu, bia và có đến 62% nạn nhân bị TNGT qua kiểm tra phát hiện có nồng độ cồn trong máu.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng con số trên chưa phản ánh đúng thực tế hết số người bị TNGT có sử dụng rượu, bia. Nguyên nhân chính là công tác phân loại sàng lọc người bị TNGT có sử dụng rượu, bia hay không còn rất hạn chế. Với các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông, thậm chí là Ban ATGT các tỉnh, thành cũng không thể có được con số chính xác, mà chỉ dựa vào kết quả một số nghiên cứu trong thời gian ngắn, trong một phạm vi không rộng nên chưa thể phản ánh hết mức độ trầm trọng của vấn đề.

“Uống bia có trách nhiệm” là… không uống

Điều khiển phương tiện giao thông trong lúc say xỉn rất dễ gây tai nạn giao thông.

Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định, người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Với quy định tỷ lệ nồng độ cồn như thế này thì theo khuyến cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, chỉ cần uống 2/3 chai bia có dung tích 330ml, hoặc 2 ly ruợu vang đỏ (loại 13,5 độ) sẽ bị xử phạt vì nồng độ cồn trong máu lúc đó vượt quá mức quy định.
 
Vì vậy, nếu thực hiện đúng thông điệp “Uống bia có trách nhiệm” cũng có nghĩa khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ được uống một ly bia, hoặc một ly rượu vang.  Chính việc quy định nồng độ cồn khá “rát” như vậy, nên gần đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã đưa ra một khẩu hiệu khá cứng: “Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện”. Đây là lý do mà nhiều người cho rằng để thực hiện tốt cuộc vận động “Uống bia có trách nhiệm” thì tốt nhất không uống khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Muốn xử phạt người vi phạm thì cần phải có máy kiểm tra nồng độ cồn trong máu, đây là cơ sở mang tính pháp lý. Tuy nhiên, việc trang bị máy đo nồng độ cồn trong máu cho lực lượng CSGT trên toàn quốc nói chung và Đà Nẵng nói riêng hiện nay rất ít ỏi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù lực lượng CSGT thành phố đã được tập huấn  sử dụng máy đo nồng độ cồn, thế nhưng trên thực tế chưa thể triển khai vì không thể “tay không bắt giặc”. Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố, đây là vướng mắc lớn nhất nên chưa thể triển khai việc kiểm tra nồng độ cồn mà chỉ mới dừng lại ở khâu tuyên truyền. 
       
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.