.

Vai trò gia đình trong công tác dân số

.

Trước khi tiếp xúc với xã hội, gia đình là tổ ấm thân yêu nuôi dưỡng và hình thành nhân cách; gia đình còn là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Gia đình là chỗ dựa vững chắc để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. TRONG ẢNH: Cha mẹ dẫn con đi thi tô màu tượng trong dịp hè. Ảnh: V.DŨNG 

Việc tạo nguồn nhân lực bảo đảm cả về số lượng và chất lượng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước đang phụ thuộc một phần rất lớn vào vai trò của gia đình. Do vậy, vấn đề gia đình là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010” đã khẳng định: “Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia đình Việt Nam ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

Sự phát triển của gia đình gắn liền với sự phát triển của xã hội. Trong xã hội có tính chất tự túc tự cấp trước đây, vai trò của gia đình thiên về nhiệm vụ duy trì nòi giống và tạo sức lao động là chủ yếu, với quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sinh một người con trai là “có”, còn sinh mười con gái kể như “không”). Sự tiến bộ của xã hội dần dần thay đổi quan niệm về gia đình. Ngày nay, ở thành phố cũng như ở các vùng nông thôn, mô hình gia đình ít con được cộng đồng xã hội chấp nhận và từng bước tạo thành kiểu gia đình trong xã hội tương lai.

Những thành tựu của công tác dân số, quy mô gia đình ít con được chấp nhận ngày càng rộng rãi, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã đạt mức sinh thay thế, góp phần làm giảm bớt sức ép về gia tăng dân số đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận thuận tiện và hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác.

Những năm qua, cuộc vận động dân số, kế hoạch hóa gia đình được lồng ghép vào các hoạt động khác như công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, phòng chống HIV, chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình được phổ biến rộng rãi trong dân chúng đã góp phần xây dựng gia đình theo chiều hướng tiến bộ.

Khi mỗi gia đình ý thức được những lợi ích to lớn của việc sinh ít con nhưng chăm sóc chu đáo cả về vật chất và tinh thần, thì việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình trở thành một nhu cầu tự nhiên của mỗi cặp vợ chồng.

TUẤN PHÚC       

;
.
.
.
.
.