.

Vẻ vang một chặng đường

Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tại thành phố Quảng Châu – Trung Quốc ngày 21-6-1925, khai sinh nền báo chí cách mạng nước ta. Sáu mươi năm sau, năm 1985, theo đề nghị của Hội Nhà báoViệt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trở thành ngày Hội của những người làm báo, ngày tôn vinh báo chí, niềm vinh dự và tự hào của báo giới Việt Nam.

Chặng đường 85 năm, đặc biệt là hơn 20 năm đất nước đổi mới, báo chí nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt: tăng loại hình báo chí; tăng số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, đài phát thanh-truyền hình, nhà in, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức và hiện đại hóa công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành. Đội ngũ đông đảo hơn 17.000 người làm báo chuyên nghiệp thuộc 4 loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử khá hùng hậu, được đào tạo cơ bản, tinh thông nghề nghiệp, bản lĩnh và trí tuệ. Số lượng công chúng báo chí cả trong và ngoài nước tăng cao. Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật từng cơ quan báo chí cũng như cả hệ thống báo chí nước ta được tăng cường gấp nhiều lần. Báo chí Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng với nền báo chí khu vực và thế giới, trở thành một lực lượng chính trị, tinh thần to lớn của đất nước. Mô hình tập đoàn báo chí ở nước ta đã và đang từng bước định hình. Báo chí Việt Nam đang là một trong những lực lượng đi tiên phong trên mật trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà báo là thư ký thời đại, nhà báo cũng là công bộc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh – một nhà báo vĩ đại – người thầy và là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ, văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định vai trò, chỗ đứng của mỗi nhà báo, người lính trên trận tuyến chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Báo chí nước ta là vũ khí chính trị tư tưởng, công cụ quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân; báo chí góp phần định hướng dư luận xã hội, đồng thời kịp thời thông tin, công khai và minh bạch hóa các mối quan hệ xã hội, tạo bầu không khí dân chủ hóa xã hội. Báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác. Báo chí nước ta có nhiều đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn dư luận xã hội, vạch trần và đấu tranh với những âm mưu, luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Báo chí nước ta tuyên truyền sâu sắc và góp phần nhân rộng hàng vạn tấm gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới đất nước; trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hệ thống báo chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thông tin tuyên truyền đối ngoại, quảng bá đất nước và con người Việt Nam; tô đẹp truyền thống anh hùng, bất khuất, cần cù, thông minh, bản lĩnh, trí tuệ, nhân ái của con người Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.

Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, giới báo chí nước ta không chỉ thấy rõ những thành tựu, ưu điểm, phấn khởi, tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, mà còn là dịp chúng ta nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém, những nhược điểm và tồn tại để kiên quyết khắc phục, tiếp tục tiến lên. Hội Nhà báo Việt Nam – tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội và đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội, tiến tới Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam – mái nhà chung của những người làm báo Việt Nam đã và đang phát huy vai trò tích cực của mình trong việc tham gia các hoạt động chỉ đạo và quản lý báo chí, trong đời sống báo chí nước nhà, trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước. Hội Nhà báo Việt Nam có vị trí và vai trò quan trọng trong các hoạt động bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tác nghiệp báo chí hiện đại: bồi dưỡng, xây dựng đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam.

Phát huy truyền thống kiên cường bất khuất, năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong sự nghiệp dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp, phát huy và kế thừa truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, những năm qua, cùng với cả nước, báo chí thành phố Đà Nẵng đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Báo chí thành phố đi đầu trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ, chính quyền thành phố về hàng loạt vấn đề quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, yên bình của nhân dân.

Đà Nẵng là thành phố anh hùng, thành phố năng động, đổi mới. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái cách mạng, tiến bộ và bảo thủ, trì trệ, lạc hậu có những thời điểm diễn ra khá gay gắt. Báo cáo chính trị trình tại Đại hội lần thứ VII Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng ngày 29-5-2010 đã khẳng định, trong hoàn cảnh nào báo chí thành phố vẫn vững vàng trước mọi thử thách. Báo chí Đà Nẵng đã phản ánh chính xác những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế-xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và suy thoái đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền thành phố. Báo chí Đà Nẵng tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của thành phố, công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Các cơ quan báo chí thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-xã hội, công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn, bất hạnh, nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

Vào dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Viêt Nam cũng là dịp Báo Đà Nẵng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản số đầu. Chặng đường nửa thế kỷ chiến đấu và xây dựng, tập thể những người làm báo Đảng thành phố Đà Nẵng tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, đã, đang và sẽ không ngừng vươn tới, xứng đáng là cơ quan báo Đảng của một trong năm đô thị lớn năng động, đổi mới của cả nước.

Rất đỗi tự hào về chặng đường chiến đấu vẻ vang, chặng đường xây dựng và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, của báo chí thành phố Đà Nẵng anh hùng, năng động, đổi mới.

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm to lớn, báo giới Việt Nam, báo giới thành phố Đà Nẵng vững vàng tiến bước dưới ngọn cờ chiến đấu của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại!

PHẠM QUỐC TOÀN

(Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

;
.
.
.
.
.