.

Vỉa hè thành nhà bếp?

.

Không những sử dụng vỉa hè thành nơi để xe, bày bàn ghế, mà nhiều hộ kinh doanh trên một số trục đường chính của thành phố còn “bê” nguyên cả nhà bếp ra vỉa hè. Tình trạng này vừa gây mất trật tự giao thông, vừa khiến cho đường phố nhếch nhác, bẩn thỉu, thế nhưng việc xử lý chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”…

Góc vỉa hè Phan Châu Trinh-Thái Phiên được tận dụng làm bếp, vừa gây cản trở giao thông vừa mất mỹ quan đô thị.  

Tại góc ngã tư Phan Châu Trinh-Thái Phiên có quán gà quay H.A khá nổi tiếng. Nói là quán chứ thực ra toàn bộ “cơ ngơi” chỉ rộng chừng 4 mét vuông, thế nhưng quán vẫn hoạt động tốt chính là nhờ sử dụng toàn bộ vỉa hè và cả lòng đường để làm tất tần tật mọi việc bếp núc từ chế biến, nấu nướng đến rửa chén bát. Từ sáng sớm đến chiều tối, đoạn phố ngay ngã tư này luôn lộn xộn, bởi thường xuyên có khá đông người đứng dưới lòng đường mua gà, vịt quay.

Đặc biệt khoảng từ 17 giờ đến 21 giờ, khi việc mua bán đến hồi cao điểm cũng là lúc phần rửa chén bát của quán được chuyển hẳn xuống lòng đường. Đã vậy, những người rửa chén bát cũng đổ hết nước bẩn tràn ra đường. Và hệ quả là nơi đây lúc nào cũng tập trung khá nhiều chuột từ dưới cống chui lên để tìm thức ăn.

Mặc dù có được diện tích lớn hơn với khoảng 50 mét vuông, thế nhưng quán ăn N.K ở góc ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh-Trần Quốc Toản cũng chuyển toàn bộ phần bếp núc ra… vỉa hè. Từ sáng sớm, đoạn vỉa hè này đã được tận dụng làm nơi chế biến rau, thịt và bắt đầu từ trưa cho đến chiều tối nơi đây còn thêm “chức năng” nữa là nấu thức ăn và rửa chén bát. Cũng giống như quán H.A, tại đây nước rửa chén bát đổ thẳng ra đường, khiến đoạn phố này thường xuyên nhếch nhác, bẩn thỉu. Điều đáng nói là cảnh khó chấp nhận này gần đây trên những trục đường phố trung tâm lại đang có xu hướng lan rộng ra. Có thể kể ra những “nhà bếp nổi tiếng” trên… vỉa hè như quán bún thịt nướng trên đường Yên Bái, Hoàng Diệu; quán bánh mì ốp-la trên đường Phan Đình Phùng… Những quán ăn này hầu hết đều khá nổi tiếng, thu hút khách đông, vì vậy sự bát nháo và bẩn thỉu trên đường có thể nói là báo động.

Đi tìm hiểu về vấn đề quản lý trật tự đô thị, chúng tôi đã được ông Phan Dũng, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 cho biết: Thành phố có 7 tuyến đường cấm buôn bán trên vỉa hè, thì Hải Châu 1 đã có 5 tuyến đường nằm trong số này. Xác định là phường trung tâm của quận trung tâm thành phố, nên chúng tôi đã tập trung rất nhiều công sức vào việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị nói chung và giữ gìn trật tự an toàn giao thông nói riêng.

Từ chỗ tổ quy tắc đô thị của phường chỉ có 2 người, đến nay đã tăng lên 12 người, chia ca làm việc suốt 7 ngày trong tuần và từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là phường không thể làm nổi. Có thể nói gần như 100% trường hợp vi phạm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị đã bị lập biên bản xử phạt từ 1-2 lần. Một số trường hợp vi phạm ở mức nặng hơn, phường đã chuyển hồ sơ lên quận xử lý. Tuy vậy, việc gìn giữ trật tự chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. “Chúng tôi đến họ thụt vào, chúng tôi đi họ lại lấn ra, cứ thế dai dẳng mãi”, ông Dũng nói. Xung quanh vấn đề này, một Phó Chủ tịch phường ở quận Thanh Khê (đề nghị không nêu tên) còn bức xúc hơn: “Bản thân tôi đã không ít lần bị người dân gọi điện thoại đặt câu hỏi “Các ông nhận của họ mỗi tháng bao nhiêu mà để họ bê nguyên nhà bếp để trên vỉa hè?”. Mỗi lần nghe vậy ức lắm lại tổ chức ra quân, kết quả chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đó.

Nhếch nhác, bẩn thỉu, mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông... đủ thứ hệ lụy từ việc đưa bếp ăn ra vỉa hè. Chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay?
           
Bài và ảnh:  Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.