.

Vươn lên bằng nghị lực

.

Hết vào sinh ra tử trên dãy Trường Sơn hùng vĩ để gùi lương, tải đạn phục vụ cho chiến trường trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở mặt trận Quảng Đà-Bình Định, bà Nguyễn Thị Cúc lại tiếp tục một mình vật lộn với cuộc sống gian khổ để nuôi mẹ chồng tâm thần, bà cô chồng mù lòa và các con nhỏ sau khi lập gia đình. Đã có lúc bà không gượng nổi, phải viết thư tuyệt mệnh nhưng rồi bằng nghị lực sống của một cô Thanh niên xung phong dũng cảm năm nào, bà lại vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.

Bà Cúc chỉ cho chúng tôi xem bức hình bà chụp tại Hội nghị Biểu dương điển hình gia đình chính sách vượt khó, xây dựng gia đình hạnh phúc tại Hà Nội. 

Từ thành phố Đà Nẵng đi theo quốc lộ 1A, đến địa phận Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, nhà bà Cúc nằm quay mặt ra cánh đồng lộng gió. Tiếp chúng tôi bên cửa sổ hướng ra đường quốc lộ, mắt bà đỏ hoe khi nhớ lại những ngày tháng cơ cực.

Trong đôi mắt đẫm lệ, khuôn mặt phúc hậu, nhân từ nhưng không giấu được những ngày tháng vất vả mà bà từng trải. “Bây chừ biết bắt đầu từ mô con hè? Cuộc đời của dì khổ lắm nhưng chừ cũng qua rồi, nhắc lại cũng chẳng để làm gì. Vừa rồi mấy người trên huyện gọi điện bảo dì đi báo cáo điển hình tiên tiến 5 năm, mà ngẫm lại thấy cuộc đời mình cũng có duyên với báo cáo điển hình. Từ hồi Thanh niên xung phong, dì cũng được cử đi báo cáo điển hình nhiều lần”, bà Cúc bồi hồi xúc động kể lại.

Lúc 15 tuổi, bà Cúc đã tham gia cách mạng. Đến năm 16, 17 tuổi thì bà thoát ly gia đình đi Thanh niên xung phong, thuộc đơn vị Đại đội 2, Ban Giao vận Quảng Đà. Khi đơn vị đóng ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam), bà phải vượt qua cả quãng đường dài mất 13 ngày đêm để đến gần biên giới Việt-Lào gùi muối, dầu... cho đơn vị. Những lúc can dầu bị rỉ, dầu tràn ra phỏng cả lưng, trong khi các gót chân bị bong lên vì trèo đèo lội suối. Có khi đơn vị đóng ở huyện Đông Giang, phải đi đến ngã ba Trao, chân sưng tấy bà lại lấy bông gòn buộc vào chân để đi tiếp. Đó là chưa kể những cơn sốt rét rừng, đói khát... Bà Cúc nhìn tôi cười, nói đùa: “Cái lưng thay cho thùng xe, đôi chân là hai bánh xe và cái đầu là đầu xe. Đời Thanh niên xung phong, hết vận chuyển thương binh lên căn cứ để điều trị, lại vận chuyển vũ khí, lương thực ra chiến trường khu 5”.
 
Tuy nhiên, trong bom rơi bão đạn bà không nản lòng, vậy mà trong cuộc sống sau này, đã có lúc bà nghĩ đến cái chết. Bà quệt nước mắt: “Tưởng chiến tranh gian khổ, ai ngờ hết chiến tranh, đời dì gian khổ hơn. Dì mơ ước có cuộc sống hạnh phúc, không ngờ Campuchia có chiến tranh, chồng dì tình nguyện tham gia giúp nước bạn. Dì phải rời cuộc sống tập thể để về với gia đình”. Bà cho biết, đỉnh điểm khó khăn nhất là từ năm 1981 đến 1983, hoàn cảnh bà thật đặc biệt: Cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc, nhà cửa thì tạm bợ, mùa mưa không có chỗ để che thân. Mẹ chồng lại bị bệnh tâm thần, cô chồng mù lòa và các con thơ dại.

Một mình ở quê với 5 nhân khẩu, nhưng chỉ một mình bà là có sức lao động. Một tay bà quần quật hết việc này đến việc khác, hết bán rau muống, bán hến, mỳ Quảng, đổi gạo, đổi sắn... Ai kêu gì bà làm nấy. “Thú thật, có lần dì đã nghĩ đến cái chết. Chết là hết. Nhưng nghĩ thương con, dì không đành lòng. Được mọi người động viên, nghị lực sống trong dì lại trỗi dậy. Dì nghĩ bản thân mình phải tự đứng lên”. Trong lúc khó khăn, Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện giúp bà vay tiền để buôn bán nhỏ. Bà nhận thêm 5 sào ruộng lúa để sản xuất với quyết tâm “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.

Vài năm sau, cái khó cũng đã bớt gánh nặng và chồng bà trở về nghỉ chế độ bệnh binh. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất của bà là 4 người con ngoan, học giỏi. Người thứ nhất tốt nghiệp Đại học Luật, người thứ hai là sĩ quan Học viện Quân sự, người thứ 3 là sinh viên ngành văn hóa du lịch và đứa út là học sinh lớp 9 và 9 năm liền là học sinh giỏi. Em Lê Thị Ái Chung từng đoạt các giải nhất, nhì, ba môn Văn kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố qua các năm học 2005-2006, 2006-2007.

Bà là một trong bốn phụ nữ của thành phố được cử đi dự Hội nghị Biểu dương điển hình gia đình chính sách vượt khó, xây dựng gia đình hạnh phúc tại Hà Nội năm 2007 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, bà là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quá Giáng 2 và thường xuyên giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh nghèo như cho mượn gạo, tiền, vàng... để làm ăn. Có lúc, tiền bà Cúc cho mượn lên đến 50 triệu đồng. Khi được hỏi: “Dì không sợ mất à?”. Bà cười bảo: “Dì đã từng nghèo khổ rồi nên dì không sợ. Họ mượn rồi từ từ họ cũng sẽ trả. Có cô Q. (42 tuổi) bị ung thư mất cách đây chưa lâu. Trước khi mất hai tuần, cô Q. đã gọi mấy người con lại và nắm tay dì khóc rồi nói “đây là người đã giúp đỡ gia đình mình, các con được ăn học cũng nhờ dì Cúc”. Nói tới đây, giọng bà nghẹn lại rồi nước mắt trào ra.

Trước sân, cánh đồng thôn Quá Giáng đang bắt đầu vào mùa gieo hạt. Dù đã hết nghèo khó, nhưng ở đó vẫn còn 7 sào ruộng đang chờ bà Cúc. Trong nét buồn vui của người phụ nữ đa đoan, vẫn ngời lên một nghị lực sống mãnh liệt, bởi với bà Nguyễn Thị Cúc, hạnh phúc của cuộc sống là được cho và nhận.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.