.

Bức xúc rác thải nông thôn

.

Cứ tiện tay là vứt từng bao nilon rác thải ra ven đường, ven đồng ruộng, hồ ao, kênh rạch. Chất thải chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt là những vấn đề nóng bỏng của môi trường nông thôn hiện nay.

Vô tư vứt rác ra đường

Đi lại trên tuyến đường ĐT601 liên xã Hòa Sơn – Hòa Liên – Hòa Bắc, nhiều người không khỏi bức xúc khi chứng kiến nhiều đống rác khá lớn tập kết ven đường. Tại đoạn đường qua xã Hòa Liên, thời gian gần đây đã bố trí nhiều thùng rác để ven đường nhưng ở tấm bảng bên trên mỗi thùng rác, thay vì ghi: “Hãy cho rác vào thùng” hoặc “Không để rác ở ngoài thùng”,… thì người ta đã sơn kẻ dòng chữ màu đỏ rất chướng mắt: “Không đăng ký, không nộp tiền, không đổ rác”.

Mặt khác, số lượng thùng quá ít, bố trí không hợp lý và hầu như chỉ đặt ở trung tâm xã, vậy nên người dân vẫn tiếp tục đem từng bao nilon đựng rác thải sinh hoạt ra tập kết thành từng đống lớn ở ven đường. Tại chân cầu Quảng, cũng có bảng sơn khẩu hiệu “3 không” màu đỏ như trên, nhưng không hề có thùng rác nào và đập vào mắt người đi đường là một điểm tập kết rác.
 
Trước chợ Hòa Liên – chợ chỉ hoạt động vào buổi sáng, buổi chiều không một bóng người nhưng rác thải vẫn ngập bề bộn trước cổng chợ. Xuôi dọc qua các hồ sen, giáp với xã Hòa Sơn, điểm tập kết rác ven đường không ngừng phình to và đã lấn hẳn vào lòng đường, rất dễ gây ra tai nạn cho người đi đường vào các tối không trăng. Từ lâu, tại đoạn đường qua các hồ sen này thay vì thảnh thơi ngắm cảnh sen nở tuyệt đẹp, không gian thoáng đãng thì người đi đường phải nín thở, bịt mũi, chạy xe cho nhanh vì tình trạng người dân vứt xác động vật chết tại đoạn cống qua đường và ven đầm sen, gây mùi hôi thối một vùng.   

Còn trên tuyến đường ĐT602 qua xã Hòa Sơn, dù đã bố trí nhiều thùng rác nhưng thùng nào cũng ngã nghiêng và rác thải ngập tràn ra xung quanh. Nhìn cảnh tượng này không ai khỏi bức xúc khi đây là tuyến đường đưa nhiều du khách tham quan Bà Nà và cũng là dịp giới thiệu cho du khách về vùng nông thôn của Đà Nẵng xanh, trong lành và đẹp. Cạnh đó, trên tuyến đường liên xã Hòa Nhơn – Hòa Sơn đoạn qua thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, nhiều năm qua đá phế thải và nước thải cưa đá từ làng nghề đá chẻ Hòa Sơn ngập tràn ven đường đã được phản ánh nhiều lần, nhưng vẫn chưa có một giải pháp thu gom, xử lý nào.

Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều vùng nông thôn Đà Nẵng, ngoài rác thải sinh hoạt và rác thải làng nghề, một trong những nguồn thải lớn là rác thải chăn nuôi (lượng chất thải rắn do vật nuôi thải ra gồm: phân và các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết,... và chất thải lỏng) chỉ có một số ít được xử lý với các phương pháp đơn giản như: tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân bón cây trồng…, số còn lại vứt thẳng ra ao hồ, kênh rạch, gây hôi thối, nhiều ruồi.

Bên cạnh đó, bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật là nguồn chất thải nguy hại đang là mối lo của nông thôn. Cứ mỗi bao bì, chai lọ thuốc lại có một lượng thuốc dính vào, nông dân theo thói quen sử dụng xong là vứt ngay ra môi trường. Trong khi đó, bao bì làm bằng giấy kẽm, chai nhựa, chai thủy tinh bị vứt bừa bãi ra đồng ruộng, là loại chất thải nguy hại, khó phân hủy… Vấn đề rác thải nông thôn bức xúc vậy, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức và dường như đang bỏ ngỏ? 

Mô hình thu gom rác thải

Rác thải và đá phế thải tập kết bên vệ đường, không những gây mất mỹ quan, còn dễ gây tai nạn cho người đi đường.

Cách đây 3 năm, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu đã thành lập Câu lạc bộ Môi trường, vừa tuyên truyền vận động nhân dân không vứt rác bừa bãi, tập kết rác đúng chỗ, vừa ra quân thu gom rác, môi trường thôn Phong Nam trong lành, sạch sẽ hẳn. Đầu năm 2010, Câu lạc bộ Môi trường được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen. Trong khi đó, ở xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lại đang nô nức thực hiện phong trào “Giỏ rác ra đồng” – người dân đan những giỏ rác bằng tre đặt bên vệ đường dẫn vào thôn xóm, kiệt hẻm và cả cánh đồng để “tuyên chiến” với rác, đặc biệt là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi nhà còn đóng góp 5.000 đồng/tháng để thuê nhân công thu gom, vận chuyển rác đổ đúng nơi quy định…

Từ những mô hình hay này, nên chăng các vùng nông thôn Đà Nẵng cần sớm học tập, áp dụng để giải quyết tình trạng bức xúc về rác thải nông thôn.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.