.

Chuẩn hóa cán bộ cấp xã

.

“Người có trình độ đại học chính quy mấy ai về xã làm việc, học xong là họ đi luôn” - ông Nguyễn Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang tâm sự về chuyện đào tạo nguồn cán bộ từ con em địa phương. Thực tế này đang diễn ra ở nhiều xã của huyện Hòa Vang, nơi mà cán bộ có trình độ đại học chính quy chiếm tỷ lệ rất thấp, việc thu hút người nơi khác về đã khó nhưng đào tạo nguồn tại chỗ lại càng khó hơn.

Thiếu chuẩn đại học chính quy

Ở cấp xã, cần những cán bộ đào tạo chính quy, đúng với chuyên ngành mà cơ sở đang cần. Trong ảnh: Cán bộ xã Hòa Châu đang tiếp dân. 

Ông Nguyễn Văn Quý cho biết: “Khi có thông tin về Đề án 89, chúng tôi đã vận động, thuyết phục một số con em ở địa phương có trình độ đại học chính quy đăng ký để sau này về làm việc tại xã nhưng hầu hết các em đều từ chối. Chỉ có một em tình nguyện tham gia, hiện đã tốt nghiệp lớp đào tạo cán bộ của Đề án 89 và làm việc tại Văn phòng UBND xã”. Trên thực tế, số lượng con em ở xã Hòa Ninh có trình độ đại học không ít nhưng chẳng mấy ai quay trở lại địa phương làm việc.

Điều này càng khiến cho việc chuẩn hóa cán bộ ở cấp xã gặp nhiều khó khăn. Bởi trong xu hướng phát triển chung và theo quy định của công tác cán bộ thì tiêu chuẩn về trình độ đại học ngày càng được đề cao, nhất là đối với các trường hợp cán bộ nguồn sắp xếp vào vị trí chủ chốt ở cấp xã. Tại xã Hòa Châu, hiện có 4 cán bộ có trình độ đại học chính quy, trong đó, 2 trường hợp được cử về từ Đề án 89.

Theo ông Nguyễn Phụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã thì đào tạo nguồn cán bộ ở địa phương chủ yếu là theo hình thức vừa học vừa làm. Nếu học chính quy thì giai đoạn cán bộ nghỉ đi học phải tìm người thay thế, mà tốt nghiệp xong cũng sợ họ đi luôn không quay lại nữa. Chính vì vậy, nguồn cán bộ ở địa phương phần lớn đào tạo từ các lớp bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn hoặc Trung cấp Quản lý Nhà nước, đào tạo tại chức, từ xa... Như vậy, việc xét tiêu chuẩn đại học chính quy để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cấp xã sau này sẽ nhiều trở ngại.

Thực tế ở cấp xã, cán bộ có trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm số đông. Không ít trường hợp thực hiện công tác chuyên môn rất tốt nhưng để đề bạt, bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt sau này thì không thể được. Xã Hòa Ninh hiện có 15 cán bộ đang học đại học tại chức nhưng việc học này chỉ để bổ sung kiến thức chứ khó đưa vào nguồn quy hoạch chức danh chủ chốt.

Nhiệm kỳ đến, chức danh Chủ tịch UBND hoặc Bí thư Đảng ủy xã có thể thay thế bằng người cấp phó (theo quy định, cấp phó có thể thay thế cấp trưởng nếu đã kinh qua 1 nhiệm kỳ mà không cần tiêu chuẩn đại học chính quy). Thế nhưng nguồn cán bộ để thay thế người cấp phó sau này lại thiếu. Số cán bộ đại học ở xã hiện có 5 người, giải pháp là phải mạnh dạn sử dụng, bổ nhiệm những cán bộ trẻ, có trình độ đại học chính quy vào những vị trí quan trọng để chủ động tạo nguồn cán bộ chủ chốt sau này.

Chuẩn hóa về chuyên môn

Theo Quyết định 7460/QĐ-UBND của UBND thành phố thì chức danh Địa chính - Xây dựng, Văn hóa - Xã hội được tuyển dụng người có trình độ đại học chính quy, tập trung, công lập, cùng nhóm ngành. Nhưng trên thực tế, không phải địa phương nào cũng tuyển dụng được cán bộ đúng nhóm ngành để sắp xếp đúng với vị trí công việc. Xã Hòa Châu đang cần một cán bộ địa chính để đảm đương công việc liên quan đến các dự án đất đai đang triển khai trên địa bàn xã.
 
Thế nhưng, vị trí này hiện tại lại do một cán bộ tốt nghiệp từ Đề án 89, chuyên ngành kinh tế đảm nhiệm. Theo đánh giá của ông Nguyễn Phụ thì cán bộ này vẫn làm được việc nhưng hiệu quả chưa cao. Ông Nguyễn Phụ tâm sự: “Chúng tôi ủng hộ việc thực hiện Đề án 89 nhưng đưa về người có trình độ đại học đúng với yêu cầu địa phương thì tốt hơn”. Ở cấp xã, một số trường hợp bố trí không đúng chuyên môn vẫn hoàn thành tốt công việc nhưng không ít cán bộ thiếu năng động, sáng tạo, chỉ dừng ở mức làm cho xong trách nhiệm được giao chứ chưa đạt hiệu quả cao.

Thêm vào đó, cán bộ xã không thiếu về số lượng nhưng lại thiếu người đúng chuyên môn. Tại xã Hòa Ninh, cán bộ phụ trách mảng Văn hóa lại là người luân chuyển từ vị trí công an xã sang. Việc trưng dụng cán bộ ở bộ phận này sang bộ phận khác hoặc luân chuyển không đúng với chuyên môn là chuyện thường gặp. Về lâu dài, thực trạng này cần cải thiện bằng việc cử tuyển, đưa người ở xã đi đào tạo thêm cho đúng với chuyên môn để thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Chuẩn hóa công tác cán bộ với những yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đạo đức nghề nghiệp là tất yếu trong quá trình phát triển ở Đà Nẵng. Ở cấp thành phố, việc này không khó nhưng hướng về cấp xã, nhất là các xã miền núi thì đòi hỏi phải có chế độ, chính sách đúng, phù hợp với thực tế của địa phương. Tốt nghiệp đại học chính quy là một chuyện nhưng tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đúng chuyên môn, đúng nhu cầu thực tế là chuyện khác.
 

Không nên cứ phân bổ người có trình độ đại học chung chung về cấp xã mà không chú ý đến chuyên ngành địa phương đang thực sự cần. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa cán bộ cấp xã cần đến sự mạnh dạn trong sử dụng, bố trí công việc cho người trẻ, có năng lực, có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, chính quy. Song song với một chế độ đãi ngộ phù hợp thì cũng lưu ý đến triển vọng thăng tiến cho những đối tượng này, tránh chú trọng quá mức đến chủ nghĩa kinh nghiệm cá nhân, gây ra tâm lý chán nản, ngại phấn đấu và muốn thoát ly đến chỗ làm khác tốt hơn.

Đây cũng là cách để thu hút những cán bộ đủ tiêu chuẩn về làm việc lâu dài tại các cơ quan cấp xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ngoài ra, một chế độ đào tạo đúng hướng, đúng chuyên ngành mà địa phương đang cần cũng như những chế độ chính sách ưu tiên cho người đi học là giải pháp khuyến khích, động viên những cán bộ tại chỗ phấn đấu, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để phục vụ lâu dài cho địa phương.

Bài và ảnh: Hà An

;
.
.
.
.
.