.
CỰU CHIẾN BINH NHỚ LẠI

Nhớ về đồng đội

.

Đã gần 40 năm trôi qua kể từ cái đêm đau thương ấy, nhưng CCB Lê Văn Bạn (ảnh) ở phường Khuê Trung vẫn không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ người đồng đội Vũ Ngọc Diệu hy sinh tại đồi 30, xã Lộc Sơn (Đại Lộc-Quảng Nam). Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện này mà đôi mắt ông cứ rưng rưng lệ.

...Hồi đó, tôi và Diệu đều là chiến sĩ trong Đội trinh sát Mặt trận 4 Quảng Đà, đã bao phen cùng nhau vượt qua gian khó, hiểm nguy để điều nghiên các căn cứ địch. Cuối năm 1972, hai chúng tôi nhận nhiệm vụ đi trinh sát đồn địch đóng trên đồi 30. Hai anh em xuất phát từ ranh Cây Cốc (cũng thuộc xã Lộc Sơn) lúc 6 giờ tối và khéo léo vòng tránh những nơi mà địch thường phục kích, đến 10 giờ đêm mới tiếp cận được phía ngoài đồn địch. Chung quanh đồn này, địch bố trí nhiều lớp rào và nhiều
loại mìn.

Sau khi quan sát bên ngoài, Diệu và tôi chia 2 hướng, bí mật trườn qua các lớp rào để vào trinh sát bên trong. Một lát sau, tôi nghe ở hướng Diệu tiềm nhập có tiếng mìn nổ rất lớn. Đoán là Diệu bị vướng mìn, không biết sống chết ra sao, tôi liền bò trở ra và tìm tới nơi vừa có tiếng nổ. Ở trong đồn, địch bắn ra loạn xạ.Tôi bình tĩnh phán đoán xác định lại hướng mà Diệu đã tiềm nhập. Lần dò hồi lâu, tôi phát hiện một hố mìn khá rộng.

Đoán Diệu đã vướng phải quả mìn này, tôi bèn tìm rộng ra xung quanh, quả nhiên, tìm thấy thi thể của Diệu đã bị mìn xé thành nhiều mảnh. Tôi cắn răng kìm nén những tiếng nấc nghẹn và mở thắt lưng lấy chiếc túi nhựa Trung Quốc mà hồi đó chúng tôi thường gọi là túi đa công dụng. Tôi nhặt hết các mảnh thi thể của Diệu bỏ vào túi, rồi cố hết sức đưa ra ngoài. Lúc vác, lúc ôm, lúc vừa bò vừa kéo, một hồi lâu sau tôi mới đưa được thi thể Diệu ra khỏi hàng rào.

Trời đã quá khuya, người mệt rã rời. Tôi đặt Diệu xuống, nước mắt tuôn ròng, miệng đắng ngắt, hai chân như không thể nào nhấc lên được nữa. Đuối sức, không còn mang nổi thi thể Diệu mà chần chừ ở đây đến sáng thì sẽ rơi vào tay địch (vì ban ngày địch thường nống ra càn quét, ban đêm mới rút vào đồn). Không còn cách nào khác, tôi đem Diệu giấu vào một lùm bói rậm, cao lút đầu và thầm hứa sẽ cùng đồng đội quay lại đưa Diệu về mai táng.

Đêm đó, tôi khẩn trương về báo cáo tình hình với đơn vị và tối hôm sau, tôi và đồng chí Văn Công Ủy-Đội trưởng Đội trinh sát, mang theo võng và đòn khiêng, quay trở lại tìm thi thể Diệu. Nhưng sáng hôm đó, quân địch đi càn đã đốt cháy các vạt bói, ở vài nơi khói vẫn còn bay lên. Anh Ủy động viên tôi cố nhớ lại vị trí đã giấu Diệu và xác định phải tìm bằng cả mắt và mũi, bởi đoán là thi thể bị cháy sẽ có mùi khét. Những bãi bói rậm hôm qua, bây giờ chỉ còn tro than nhem nhuốc, rất khó xác định vị trí. Vòng đi vòng lại nhiều lần, đến hơn 2 giờ sáng thì chúng tôi mới tìm được thi thể Diệu. Nhìn thi thể của đồng đội đã bị cháy đen, hai anh em giàn giụa nước mắt. Chúng tôi lặng lẽ đưa Diệu vào võng, khiêng ra xa, rồi đào huyệt chôn cất, trong khi địch ở trong đồn vẫn bắn cầm canh...

...Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bạn trở về tìm lại nơi đã chôn đồng đội mình và liên hệ với chính quyền địa phương, đưa hài cốt anh Diệu vào cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Lộc Sơn. Hằng năm, cứ đến ngày 27-7 là ông làm một mâm cơm cúng Diệu và các anh hùng liệt sĩ. Ông thường nhắc nhở con cháu không bao giờ được quên những người như anh Diệu và phải thể hiện lòng biết ơn của mình bằng hành động cụ thể.

Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn hăng hái tham gia công tác địa phương với nhiều cương vị khác nhau. Nhiệm vụ nào ông cũng năng nổ, xông xáo, sâu sát nhân dân và hoàn thành tốt. Chi bộ 22 phường Khuê Trung do ông làm Bí thư đã 4 năm liền (2006-2009) đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.       
                                                     
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.