Những ngày này, ai có dịp đi qua “phố cầm đồ” ở đoạn đầu đường Trần Cao Vân - Đà Nẵng, đều có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp của việc giao thương giữa người đi thế chấp và những ông chủ, bà chủ hành nghề cầm cố tài sản. Loại hình dịch vụ này thường khi diễn ra khá êm đềm, nhưng vào mùa có các giải bóng đá thế giới hay châu lục thì vô cùng tấp nập người ra, kẻ vào...
Quá nhiều người đến cầm cố tài sản, chủ tiệm cầm đồ trên đường Lý Tự Trọng - Đà Nẵng phải khóa hàng chục xe máy trên lề đường. |
Mấy chú choai choai, kẻ đứng, người ngồi nhao nhao góp chuyện: “Đại ca có thâm niên mà còn chết như con mực, huống hồ tụi em! Banh bóng kiểu ni đến cuối kỳ World Cup, thế nào cũng có thằng nhảy sông… hơ hơ…”. Nhiệt độ ngoài trời mỗi lúc một tăng cao, những con bạc “khát nước” vẫn túm tụm để bàn chuyện bóng banh ở phương trời Nam Phi xa thẳm. Ông chủ tiệm cầm đồ cùng mấy nhân viên thuộc cấp của mình thì cứ tay lăm lăm sổ sách, người thì đi vòng quanh để định giá từng loại hàng người ta mang đến thế chấp.
Đến lượt tôi đẩy chiếc LEAD vào phía bên trong tiệm cầm đồ, ông chủ ra hiệu dừng lại ngay bậc cửa. Nhanh như chớp, ông ta đưa mắt đảo qua một vòng, rồi hỏi: “Mấy chai?” (1 chai tiếng lóng của dân cá độ có nghĩa là 1 triệu đồng - NV). “10 chai”- Tôi đáp. Ông chủ tiệm cầm đồ lại đảo mắt săm soi chiếc xe của tôi thêm một lần nữa, rồi ra hiệu cho nhân viên làm thủ tục cầm đồ cho tôi. Tôi hỏi cô nhân viên làm sổ sách: “Cầm xe 10 triệu, mỗi ngày anh phải trả tiền lời bao nhiêu?”.
Tiệm cầm đồ luôn có người giao dịch. |
Chẳng khác mấy so với tiệm cầm đồ mang tên N.V mà tôi đã ghé qua, nhiều tiệm cầm đồ trên đường Trần Cao Vân như T.L, B.C, N.T, N.L… cũng tấp nập người mang tài sản đến thế chấp để vay tiền. Đa số vẫn là dân chơi cá độ bóng đá, món tài sản được dùng làm vật thế chấp ở đây chủ yếu là xe máy loại tay ga như: DyLan, Attila, Vespa LX, Air Blade, SH..., rất hiếm thấy các loại xe số như Dream, Future, Wave…
Giải thích về việc này, một chủ tiệm cầm đồ còn trẻ tuổi cho biết: Do giai đoạn này đang diễn ra World Cup nên dân cá độ tìm đến dịch vụ này tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Đa số dân “đánh banh” khi đã cầm xe là rất khó chuộc, thường là cầm lúc đầu một ít cỡ 10 đến 20 triệu, nhưng khi đã thua bạc do cá cược bóng đá thì đành phải bán rẻ xe cho chủ cầm đồ luôn để lấy chút tiền cuối cùng mong gỡ gạc. Khi tôi đang đứng trò chuyện với ông chủ trẻ của tiệm cầm đồ thì thấy phía trước cửa hiệu là một cô gái chừng ngoài hai mươi tuổi, tay cầm giỏ xách, tay bồng đứa con nhỏ, nước mắt ngắn dài than thở nỗi khổ của một người vợ có chồng mê cá độ.
Cô gái này cho biết, chiếc xe Vespa LX mẹ chồng cô mua cho giá gần 130 triệu đồng, mới đi được vài tháng - nói vài tháng là tính từ ngày mua, chứ phần lớn thời gian chiếc xe này bị chồng cô cho trú ngụ trong các tiệm cầm đồ để lấy tiền vừa chơi cá độ, vừa tiêu xài phung phí với bạn bè. Cô bảo: “Xe mua có một trăm ba chục triệu mà tính thêm tiền chuộc đến bây giờ đã lên đến năm, sáu trăm triệu đồng rồi… Mỗi lần ảnh cầm chỉ vài chục triệu thôi, cứ như vậy nên mình thấy tiếc chiếc xe phải đi chuộc về. Chuộc về rồi ảnh lại lừa để mang đi cầm vài chục triệu…”.
Dường như những tình cảnh như cô gái tội nghiệp kia vẫn thường ngày diễn ra ở khu phố cầm đồ này, nên cả người đi cầm đồ đến chủ tiệm cũng không màng để ý chứ nói gì đến chuyện xót thương. Ông chủ trẻ hồn nhiên giải thích với tôi: Cầm đồ cũng là một dịch vụ làm ăn hợp pháp, có giấy đăng ký kinh doanh, có đóng thuế hằng tháng và thuế môn bài, chấp hành đầy đủ mọi quy định của chính quyền địa phương và các ngành hữu trách.
Ai túng thiếu, cần tiền nhanh, có tài sản hợp pháp đến đây cầm cố đều được chấp nhận hết. Bây giờ là lúc cao điểm nên chủ yếu nhận cầm xe máy, laptop, điện thoại cầm tay loại xịn…, chứ ngày thường thì thứ gì cũng cầm, tivi, đầu máy, vòng vàng, dây chuyền, sổ đỏ, sổ hồng… giá cả thì người ta thế nào nhà em thế ấy. Hoàn cảnh cô bé này có bi đát lắm đâu, ở đây còn có nhiều cảnh đời trớ trêu hơn cả trên phim ảnh, trong sách báo ấy chứ. Anh nghĩ xem, có thằng vợ hai đứa con nheo nhóc, vô công rồi nghề, chỉ suốt ngày banh với bóng… Hắn lừa vợ con, lừa bạn bè, người thân cầm một lúc đến 5 chiếc xe máy sau khi đã ôm một khoản nợ đến gần trăm triệu đồng vì cá độ… Vợ con hắn khóc lóc, nhưng biết làm sao được, cầm cố cũng giấy trắng mực đen thôi!
Rời khu phố cầm đồ trên đường Trần Cao Vân, tôi lại tiếp tục dong xe đến tìm hiểu những tiệm cầm đồ ở xung quanh các trường đại học, cao đẳng. Cũng không khác mấy so với các tiệm cầm đồ ở đường Trần Cao Vân, những tiệm cầm đồ quanh các trường học, các khu ký túc xá cũng nhộn nhịp khách hàng, có điều các loại tài sản được mang đến thế chấp có vẻ rẻ tiền hơn. Một chủ tiệm cầm đồ nằm sát Trường Đại học Đông Á cho biết: Khách hàng đến đây thế chấp tài sản chủ yếu là sinh viên, loại kẹt tiền ăn nhậu cũng có nhưng phần lớn vẫn là đề đóm và cá độ bóng đá dịp World Cup. Biết khách hàng đa số là sinh viên nên giá trị cho cầm cố ở đây cũng không quá lớn, một chiếc xe máy chỉ độ dăm triệu đồng… Vừa nói, chủ tiệm vừa chỉ cho tôi xem hai dãy xe máy khách đến cầm được xếp ngăn nắp trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng.
Có thể nói, chuyện cầm cố ở những tiệm cầm đồ có đến muôn hình vạn trạng, kể không hết mà viết lại càng không thể hết trong khuôn khổ một bài báo nhỏ này. Chỉ biết rằng, xung quanh những tiệm cầm đồ này còn có rất nhiều bất cập, ví như chuyện lãi suất quá cao so với quy định; giấy phép kinh doanh chỉ có ở mức độ đối phó; chủ tiệm cầm đồ tự đặt ra thời gian cầm cố tài sản, nên nhiều người đã phải đau khổ nhìn tài sản của mình ra đi. Bên cạnh đó, nhiều vụ phạm pháp hình sự cũng có nguyên nhân và phát sinh từ dịch vụ này. Mong sao, các cơ quan chức năng để tâm nhiều hơn đến việc chấn chỉnh hoạt động của loại hình dịch vụ nhiều lợi nhuận này.
Bài và ảnh: BẢO THY