.
Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thi hành án dân sự

.

Ngày 7-7, Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành án dân sự tại quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2010.
 

Đồng chí Lê Thị Nga chủ trì buổi làm việc tại UBND huyện Hòa Vang. 


Cùng dự có đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố và đại diện Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao.

Theo báo cáo của UBND quận Thanh Khê, từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2010, Chi cục Thi hành án dân sự quận đã đưa ra thi hành 6.370 vụ việc, tương đương với số tiền phải thi hành là trên 121 tỷ đồng, trong đó, thi hành xong 3.816 vụ việc. Số án VKSND quận chưa có điều kiện thi hành đến nay là 1.113 vụ việc; án có điều kiện thi hành là 1.024 vụ việc. Tại huyện Hòa Vang, từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2010, các cơ quan chức năng đã thụ lý 1.329 vụ việc với số tiền hơn 12 tỷ đồng.
 
Báo cáo với Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, UBND quận Thanh Khê và UBND huyện Hòa Vang đều nhận định, công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng chấp hành viên, cán bộ còn mỏng so với án thụ lý và thi hành mỗi năm; phương tiện, trang thiết bị chưa được trang bị đầy đủ, chưa đủ sức uy hiếp phần tử quá khích khi thi hành án; các quy định của pháp luật về công tác thi hành án còn chồng chéo, nhiều bất cập; nhiều đương sự cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án…

Từ thực tế ở địa phương, UBND quận Thanh Khê đề nghị tăng biên chế cán bộ cho Chi cục Thi hành án dân sự quận; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác cưỡng chế thi hành án; các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Thông tư liên tịch về việc phối hợp giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về công tác thi hành án. UBND huyện Hòa Vang cũng đề nghị nên triển khai thực hiện chế định “thừa phát lại” tại Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng; quy định bổ sung về chế tài và phí phải trả đối với các trường hợp người thi hành án cố tình chây ỳ, kéo dài việc thi hành án; đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 1, Luật Thi hành án dân sự và các quy định liên quan đến việc định giá tài sản cho phù hợp vì trong quá trình thực hiện Luật có một số vướng mắc, phức tạp, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Các thành viên của Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá cao kết quả mà các địa phương trên đã thực hiện, tuy nhiên, cũng yêu cầu làm rõ một số vấn đề như: nguyên nhân tại sao số vụ việc không có điều kiện thi hành án còn tồn đọng nhiều; năng lực của đội ngũ chấp hành viên; việc thực hiện cưỡng chế thi hành án; sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong quá trình thi hành án...

Đồng chí Lê Thị Nga và các thành viên Đoàn công tác đã trực tiếp giải thích, trả lời những vướng mắc của các cơ quan thi hành án ở quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang. Sau buổi làm việc này, Đoàn công tác sẽ tổng hợp những kiến nghị liên quan đến việc tổ chức thực hiện Luật và Pháp lệnh về thi hành án dân sự để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế công tác thi hành án hiện nay.   
                      
Tin và ảnh: M.Hạnh 

;
.
.
.
.
.