Dưới cái nắng như thiêu đốt ở miền Trung, có những người phụ nữ vẫn cần mẫn bốc gạch, vác xi-măng, trộn vữa hồ hay leo chót vót trên những công trình cao tầng… Tuy cơ thể nhỏ bé, sức yếu nhưng họ vẫn phải làm công việc vốn của đàn ông, bởi lẽ thường tình là kiếm tiền nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống gia đình...
Vì tương lai con nhỏ
Nắng quá, chị Luyến nhiều lúc phải ngồi bệt xuống đất để nghỉ xả hơi. |
Mồ hôi ướt đẫm lưng, chị Thanh, trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho biết, mỗi ngày như vậy “đội bốc gạch” của chị làm được 5 “cuốc”. Mỗi người kiếm được gần 100 ngàn đồng/ngày. Chị Thanh kể, nói là đội chứ thật ra là 3 người chúng tôi rủ nhau thành một nhóm chuyên theo các xe chở vật liệu xây dựng bốc gạch lấy tiền. Hễ lúc nào chủ hàng “alô” là chúng tôi sắp xếp theo xe bốc gạch lên rồi lại bốc xuống.
“100 ngàn đồng/ngày, đó là thù lao được trả khoảng 1 năm trở lại đây, chứ cách đây khoảng 5 năm, khi 3 chị em chúng tôi bắt đầu làm cái nghề bốc gạch này, mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ 30 đến 40 ngàn”, chị Thanh tâm sự. Hai người phụ nữ cùng đội bốc gạch với chị Thanh cũng chỉ ở độ tuổi ngoài 40, nhưng nhìn bề ngoài họ trông khắc khổ, già hơn hẳn so với tuổi. “Vất vả lắm chú ơi, nhiều lúc mệt quá, chúng tôi cũng đành nghỉ ngang vài hôm mới có thể đi làm được. Năm ni không biết răng mà trời nắng quá chừng... nhưng mấy chị em vẫn phải ráng!”. Một chị trong đội chia sẻ.
Không giống như đội bốc gạch của chị Thanh, chị Võ Thị Đây, trú tổ 49, khối phố Khái Tây, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn mới theo nghề phụ hồ xây dựng 2 năm. Hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, chật vật quanh năm. “Hai năm ni hạn hán liên tục nên có bu bám mấy sào ruộng tui cũng không đủ trang trải sinh hoạt cuộc sống, chứ chưa nói chuyện học hành của mấy đứa nhỏ” - Chị Đây tiếp lời - “Đi theo chủ thầu, ai bảo làm gì tui làm nấy, từ ôm gạch, vác xi-măng, trộn vữa hồ... mà việc nào cũng nặng. Làm lâu thì có quen nhưng rất mệt, bởi tui đã ngoài 50 tuổi rồi”. Với chị Hà Thị Luyến, trú xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, 5 năm làm phụ hồ xây dựng đã giúp chị không chỉ trang trải cuộc sống gia đình mà còn phụ nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó một cháu trai đang học Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng.
Bệnh nghề nghiệp: khó tránh!
Cho đến lúc này, chị Luyến vẫn còn nhớ cái lần bị viên gạch ống loại 6 lỗ rớt trúng lưng. Nhận cái rớt như trời giáng của viên gạch làm chị vẹo cột sống, phải nghỉ hơn 1 tháng trời để điều trị tại nhà. Mấy đứa con khuyên mẹ không nên đi làm phụ hồ nữa, nhưng tờ mờ sáng hằng ngày, chị lẳng lặng từ Điện Thắng Trung ra tận những công trình tại Đà Nẵng để phụ hồ, kiếm tiền.
Dường như chuyện bị trặc tay, chảy máu, hay bị vật cứng rơi trúng đầu, trúng chân luôn xảy ra với những người làm nghề xây dựng. Chị Thanh kể, cách đây gần 2 năm, chị được tận mắt chứng kiến vụ tai nạn thương tâm, đó là trong lúc phụ hồ cho công trình do đội của chị bốc gạch, một người phụ nữ tên M. bị cái xẻng trộn vữa hồ rơi từ tầng 2 xuống trúng ngay đầu khiến người này bất tỉnh. Rất may, khi đến bệnh viện cấp cứu, vết thương chảy máu nhiều nhưng chị bị chấn thương sọ não dạng nhẹ. Sau đó, người phụ nữ này bỏ nghề.
Anh Nguyễn Văn Toàn, một chủ thầu xây dựng cho biết, đôi lúc vì thiếu người phụ hồ nam giới nên anh phải gọi những phụ nữ làm để kịp tiến độ giao nhà. Phụ nữ làm mặc dù không thể bằng đàn ông, nhưng bù lại họ cần cù, kỹ lưỡng. Nhiều chị có hoàn cảnh gia đình khó khăn thật sự, do vậy trong những ngày nắng gắt, anh tăng thêm tiền công khoảng 10 ngàn đồng/ngày để họ gắn bó với nghề.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng Khoa Y tế lao động thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, hiện chưa thể thống kê hết có bao nhiều người phụ nữ làm nghề xây dựng tại thành phố Đà Nẵng, bởi phần lớn họ làm cho những công trình nhỏ, do tư nhân quản lý. Cho đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp nữ thợ xây dựng tử vong do tai nạn trong lao động, tuy vậy những bệnh xảy ra với người phụ nữ theo nghề này là đau cột sống, lệch vai, còng lưng… rất dễ xuất hiện lúc về già. “Để bảo đảm an toàn lao động, những chủ sử dụng lao động phải trang bị các đồ dùng bảo hộ lao động như mũ cối, găng tay, ủng cho người lao động. Bởi không chỉ nặng nhọc mà môi trường làm việc ở các công trường xây dựng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe do có nhiều bụi bẩn, hóa chất vây quanh” - bác sĩ Thy cho hay.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG