.

Không thể nào quên những đồng đội đã hy sinh

.

(Tiếp theo và hết)

         >> Không thể nào quên những đồng đội đã hy sinh (kỳ 1)

Ngoài 5 đồng chí hy sinh trong hang đá, không lấy được thi thể, còn 5 đồng chí nữa hy sinh, được chôn cất ở 5 ngôi mộ trên một vạt đất nơi đỉnh đồi. Đó là các đồng chí:

Nguyễn Thị Hồng, người xã Duy Phú, chị lo việc cấp dưỡng cho cơ quan.

Lê Thị Toán, người xã Duy Thành, trong số chị em ở cơ quan Toán là người nhỏ nhất. Em được cử đi học lớp báo vụ ở khu. Hôm đó, em đã ra trạm, nhưng trúng ngày trạm chưa có chuyến đưa khách. Em về lại cơ quan và số phận thật oan nghiệt.

Phạm Phô, người xã Điện Văn (nay là Điện Hồng).

Võ Văn Ấn là người Điện Xuân (nay là Điện Hồng) là công vụ và cảnh vệ cơ quan. Và anh Nguyễn Đức Tân...

Thân nhân một số liệt sĩ của 5 ngôi mộ này đã quy tập hài cốt người thân về các nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Lễ gắn bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại khu căn cứ Hòn Tàu.  Ảnh: MỸ HẠNH

Như chúng ta đã biết, 5 đồng chí hy sinh trong một hang đá bị đè nặng bởi các khối đá lớn, không lấy được thi thể, điều này làm cho chúng ta luôn trăn trở.

Chúng ta đã nghĩ đến dùng những phương tiện hiện đại, xe máy ủi cẩu, dịch chuyển các khối đá, nhưng thấy không khả thi vì không có đường lên, không có điều kiện vật chất. Còn dùng thợ chẻ đá, làm theo lối thủ công thì cũng khó khăn vì phải đục chẻ các khối đá ở các vị thế không an toàn. Còn nếu dùng mìn phá đá thì không biết có còn lấy được gì sau khi sử dụng một lượng thuốc nổ không nhỏ. Và một câu hỏi đặt ra, liệu dưới sâu thẳm đó còn gì với thời gian, nước chảy và bao nhiêu tác nhân khác.

Đúng là việc tìm cho ra nơi các đồng chí hy sinh luôn canh cánh bên lòng như một món nợ tâm linh, nhưng như các bạn biết và mong các bạn thông cảm. Do bận bịu chuyện công tác, chuyện cuộc sống gia đình, công việc này chưa được thực hiện rốt ráo, chúng tôi thật có lỗi với các đồng đội đã hy sinh và thân nhân các đồng chí..

Đến năm 1992, quá bức xúc về việc này, anh em chúng tôi đã quyết định sẽ tìm về nơi các đồng chí đã hy sinh gắn một bia tưởng niệm tại đó và lấy những nắm đất ở đó đưa vào các hòm gỗ nhỏ về đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Rất tiếc là địa hình, địa vật thay đổi và những người đi làm công việc này không có đủ điều kiện nên tấm bia được đặt ở một vị trí không ở ngay nơi các đồng chí hy sinh mà cách đó chừng 300 mét.

Và như vậy, vấn đề vẫn như chưa được giải quyết.

Năm 2009, theo nguyện vọng của gia đình đồng chí Hoàng Kim Tùng, Báo Đà Nẵng, các bạn chiến đấu của anh Tùng, con trai và con dâu, cháu nội của anh - cháu tên Duy, tên mảnh đất ông nội đã hy sinh, đã đi lên núi Hòn Tàu, chuyến đi rất vất vả nhưng cũng chưa tìm được chính xác địa điểm.

Năm 2009, chúng tôi cũng được biết cháu Hoàng Hữu Nam, Thiếu tá quân đội, con trai liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng đã xin xuất ngũ đi tìm mộ cha và đã vào đến Quảng Nam, lội khắp nhiều vùng, hỏi han nhiều người mà vẫn chưa tìm ra điều cần tìm nhất.

Điều này càng thôi thúc Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà và các chiến hữu của anh Tùng, anh Thăng tiếp tục tìm kiếm.

Như vậy là từ tháng 7 năm ngoái đến nay, anh em đã có 10 lần trở lại núi Hòn Tàu, băng rừng lội suối tìm cho ra nơi các đồng chí đã hy sinh. Có lần đoàn đi có tổ chức. Nhiều lần nhiều anh tự quyết định đi. Có khi được tổ chức lo việc xăng xe, ăn uống. Nhiều khi anh em tự lo. Các đồng chí Mai, Lượng, Thi, Xuân cũng không còn ở độ thanh niên sung sức, nhưng rất hăng hái. Nhiều đồng chí tuổi cao sức yếu. Các đồng chí Hồ Duy Lệ, Nguyễn Sĩ Hiền đã gần 70, ngoài 60, bị bệnh tim vẫn quyết tâm tìm bằng được, chưa tìm ra chưa kết thúc.

Thật may mắn và nhờ có sự gia hộ của các đồng chí đã hy sinh, giữa tháng 6 năm nay, chúng ta đã xác định được chính xác nơi các đồng chí nằm xuống.

Khó có thể nói hết, nói đủ về những hy sinh của đội ngũ chiến sĩ trên mặt trận Tuyên huấn trong cuộc chống Mỹ, cứu nước. Có hai sự kiện đau thương bi tráng nhất với Ban Tuyên huấn Quảng Đà đêm 21 rạng 22-5-1972, 10 người hy sinh ở Hòn Tàu và sáng 24-1-1968, 9 người hy sinh ở Gò Nổi. Còn 6 ngày nữa là Tết, một trái bom quét đã ném trúng nơi đội hình đang tập dượt các tiết mục chuẩn bị cho Xuân Mậu Thân, Tổng công kích tổng khởi nghĩa thắng lợi, Đoàn văn công Quảng Đà sẽ biểu diễn ở Đà Nẵng. Anh Văn Cận, nhạc sĩ, người được biết với ca khúc “Ai lo tăng gia mà không ra sức đánh giặc giữ làng”, tập kết ra Bắc vừa học ở Nhạc viện Bắc Kinh xong, xung phong vào chiến trường. Về với quê hương, anh được phân công về với Đoàn văn công Quảng Đà. Anh Phan Minh, một cơ sở cách mạng, một ký giả kịch trường hoạt động ở Sài Gòn, với bút danh Tân Nhân, vừa về quê hương tham gia chiến đấu và được phân công làm Trưởng đoàn văn công Quảng Đà.

Trên đất Quảng Đà từ nguồn Thu Bồn đến Cửa Đại, từ đèo Hải Vân đến Mặt Rạn, Hòn Tàu hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Tuyên huấn của đủ các bộ phận Văn phòng Tuyên huấn-báo chí, Huấn học, Trường Đảng, Văn công, Điện ảnh, Nhà in, Giáo dục đã ngã xuống.

Nhiều anh chị ở Tuyên huấn, Văn nghệ Khu V đã ngã xuống trên mảnh đất này như các chị Phương Thảo (diễn viên múa), Xuân Quý (nhà văn), các anh Trọng Định, Chu Cẩm Phong (nhà báo), Vũ Phạm Chuân (điện ảnh). Các đồng chí ấy không hề là khách mà ai cũng như là cán bộ cơ hữu của Ban Tuyên huấn Quảng Đà, gắn bó và chia sẻ mọi buồn vui với chúng tôi.

Nhiều đồng chí bị địch bắt, tra tấn, tù đày ở Côn Lôn, Phú Quốc vẫn giữ trọn lòng trung kiên với Đảng của một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.

Nhiều đồng chí bị thương, bị bệnh được cho ra miền  Bắc chữa trị, điều dưỡng, đã đòi được sớm về quê hương tham gia chiến đấu.

Nhiều đồng chí bị nhiễm chất độc mang bệnh và con cái có những di chứng rất đau lòng.

Chúng ta không kể công với cách mạng, chúng ta luôn biết thành tích của mình là hết sức nhỏ bé so với công lao trời biển của nhân dân, những người đã nuôi dưỡng, chở che và rèn giũa chúng ta trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng... Nhưng chúng ta có quyền tự hào sự hy sinh, cống hiến của chúng ta đã góp phần làm nên toàn thắng và với truyền thống cao quý đó giờ đây chúng ta vẫn sống, làm việc như một người chiến sĩ vượt lên những khó khăn, cạm bẫy của cuộc sống đời thường trong nền kinh tế thị trường.

Chúng ta tin rằng truyền thống cao quý của các chiến sĩ Tuyên huấn Quảng Đà luôn có trong hành trang các đồng chí cán bộ, nhân viên Ban Tuyên giáo Đà Nẵng hôm nay. Các đồng chí tất nhiên có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi thời chống Mỹ nhưng các đồng chí cũng phải đương đầu với vô vàn khó khăn, phức tạp bội phần của tình hình hiện nay. Chúng ta tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và cao cả của mình.

Tình cảm, ơn nghĩa của chúng ta với những đồng chí đã hy sinh là rất sâu nặng và còn mãi với thời gian. Nhưng sức lực, khả năng của chúng ta có hạn. Việc lớn này đã xong nhưng công việc còn lại vẫn rất nhiều.

Chúng ta có một địa chỉ đỏ, nơi có thể tổ chức các chuyến đi về nguồn, phát huy, giáo dục truyền thống ở vùng núi này một thời là nơi đóng cơ quan Đặc khu ủy và nhiều ban, ngành, những địa danh Trà Lý, Đồng Lớn, Yên Ngựa, Ba Ao, Đồi Lon gợi nhớ bao kỷ niệm.

Chúng ta mong rằng Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam; Huyện ủy, UBND Duy Xuyên sẽ quan tâm đến công việc này.

Việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ là nguyện vọng tha thiết của những người thân và của mỗi chúng ta. Nhưng như đã trình bày, công việc này hết sức khó khăn, phải tham khảo ý kiến những người am  hiểu, các chuyên gia, có phương án và nguồn nhân lực cũng như nguồn lực vật chất bảo đảm.

Chúng ta mong rằng ngành TB-XH và các cơ quan hữu quan của Quảng Nam-Đà Nẵng có kế hoạch lo việc này.

Thật là có ý nghĩa, khi chúng ta gặp nhau ở đây hôm nay nhắc lại những chuyện cảm động gần 40 năm trước và vui mừng báo cáo chúng ta đã làm xong cơ bản một công việc mà từ lâu chúng ta vẫn canh cánh khi chưa hoàn thành, bởi đây là những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 và 80 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2010).

Nguyễn Đình An

;
.
.
.
.
.