.
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM (15-7-1950 - 15-7-2010)

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

.

Tuổi thanh xuân, họ cống hiến sức trẻ phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và nay, trong thời bình, họ giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục khẳng định tinh thần, nghị lực kiên cường của một thế hệ anh hùng. Họ chính là những thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ, những người đã không ngại gian khổ, mất mát, hy sinh để lập nên nhiều chiến công, góp phần giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.

Cựu TNXP Phạm Thị Chín (người bên trái) vui vầy bên gia đình.

Nữ thanh niên xung phong (TNXP) Phạm Thị Chín tham gia vào Tổng đội TNXP Nguyễn Văn Trỗi khi mới 17 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Với chị, thoát ly quê hương, cùng đầu quân cho đội hậu cần phục vụ quân đội là một niềm tự hào lớn lao. Những TNXP như chị lúc bấy giờ không trực tiếp chiến đấu nhưng họ cũng đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ, mất mát. Chị Phạm Thị Chín nhớ lại: “Lúc đó tôi ở Vùng B Đại Lộc, cùng với chị em vận chuyển gạo, khoai sắn, chuyển thương binh. Thời kháng chiến ăn uống kham khổ, bom đạn có khi nổ sát ngay bên cạnh, có người bị thương nặng, có người hy sinh nhưng chúng tôi không ngại”.

Cũng như chị Phạm Thị Chín, chị Lê Thị Tư cũng gia nhập lực lượng TNXP của Tiểu đoàn bà Thao với mong muốn đóng góp sức mình để giải phóng quê hương. Kỷ niệm một thời gian khổ mà oai hùng vẫn còn in đậm trong ký ức của người nữ TNXP này: “Thời đó tôi đi vận chuyển gạo, lương thực cho bộ đội rồi tham gia mở đường Hồ Chí Minh. Bom B52 nổ ở khu vực này chúng tôi lại dời sang khu vực khác tiếp tục mở đường, nhiều người trong lực lượng hy sinh không tìm thấy xác. Như ở Điện Dương-Điện Bàn quê tôi, gần 140 người đi TNXP nhưng hòa bình về chỉ còn 14 người. Gian khổ là vậy nhưng không ai trong chúng tôi ngại bom đạn, vẫn quyết tâm phục vụ kháng chiến”.

Những TNXP thời chống Mỹ như chị Chín, chị Tư dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt khi làm nhiệm vụ và chịu đựng những tổn thương về vật chất, tinh thần mà cho đến tận bây giờ vẫn còn khắc sâu. 35 năm sau giải phóng, không ít TNXP đang phải chiến đấu với bệnh tật, sự cô đơn, thiếu thốn về vật chất. Chính những lúc này, những TNXP thời chống Mỹ lại tìm đến với nhau, họ giúp nhau bằng tất cả tấm lòng để lại sát cánh vượt qua những khó khăn của đời thường.

Chị Lê Thị Hồng Lợi, Hội trưởng Hội Cựu TNXP quận Sơn Trà tâm sự: “Nhiều TNXP bây giờ cuộc sống rất khó khăn, có người nhà cửa tạm bợ, chồng con không có, thiếu thốn vật chất, bệnh tật thường xuyên. Chính vì vậy mà Hội chúng tôi đã đứng ra vận động, tìm nguồn hỗ trợ để giúp đỡ những cựu TNXP vượt qua khó khăn. Trong khả năng có thể thì Hội đã làm thủ tục, đề nghị giải quyết chế độ một lần cho hội viên, rồi vận động trợ cấp khó khăn mỗi dịp lễ, Tết, kêu gọi giúp đỡ để xây dựng, sửa chữa nhà cho hội viên”.

Những TNXP còn gặp nhiều khó khăn, vất vả như chị Chín, chị Tư đã được Hội Cựu TNXP quận Sơn Trà đứng ra vận động để xây dựng nhà tình nghĩa, giúp họ có nơi ở khang trang. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cựu TNXP sau khi giải phóng không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách nào, trong khi đó, một số không có việc làm ổn định, số khác thì sức khỏe ngày một suy giảm, ốm đau, bệnh tật, kể cả những vết thương do bom đạn để lại vẫn ngày đêm nhức nhối.

Chính vì vậy, Hội đã chủ động làm thủ tục, đề nghị cấp trên giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí và trợ cấp chiến trường cũng như chế độ nhiễm chất độc da cam cho cựu TNXP và con em của họ. Ngoài ra, Ban liên lạc của Hội thường xuyên vận động kinh phí để trợ cấp khó khăn cho hội viên, sửa chữa nhà, thăm hỏi động viên, giúp đỡ nhau mỗi khi ốm đau, hoạn nạn.

Cho đến nay, hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành một nét đẹp, một việc làm thường xuyên của Hội Cựu TNXP quận Sơn Trà nhằm giúp nhau có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị Phạm Thị Chín tâm sự: “Cũng nhờ có anh em đồng đội trong Hội vận động giúp đỡ, mẹ con tôi mới làm được căn nhà nhỏ này. Nói thiệt chứ chiến tranh ác liệt mấy cũng chịu được chứ bây giờ, con cháu vất vả mình cũng lo, làm được nhà là yên tâm rồi”.

Một thời thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, sống và cống hiến hết mình cho đất nước đã đi qua, giờ đây, trong cuộc sống mới, những cựu TNXP vẫn sát cánh cùng nhau. Họ gắn kết với nhau bằng những ký ức hào hùng của một thời bom rơi, lửa đạn, của một chặng đường gian khổ nhưng vinh quang. Họ đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống để minh chứng cho sự kiên cường, cho lòng dũng cảm của lực lượng TNXP.
 
Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, họ đều thể hiện mình là những người con ưu tú của quê hương, là những người sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng giúp đỡ đồng đội - những người đã hy sinh xương máu, tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc cùng vươn lên, tham gia tích cực các hoạt động ở địa phương, sống có ích để trở thành những gương sáng giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.