.
KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH-LIỆT SĨ (27-7-1947 – 27-7-2010)

Làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

.

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hàng ngàn người con quê hương thành phố Đà Nẵng đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng bất tử, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa“ ở thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2010), phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Hiệp (N.H.H - ảnh), Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng xung quanh vấn đề này. Ông N.H.H cho biết:

Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng có trên 90 nghìn lượt đối tượng chính sách (ĐTCS) được xác nhận theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi Người có công (NCC) với cách mạng. Trong đó, có 16 nghìn liệt sĩ với 4 nghìn thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng; 9 nghìn thương binh, bệnh binh; 1.400 Bà mẹ VNAH được tuyên dương (hiện có 160 mẹ còn sống); 18 nghìn người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến hưởng trợ cấp một lần; hơn 6 nghìn NCC giúp đỡ cách mạng được giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên, một lần; 18.500 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng năm gần 200 tỷ đồng.

Ngoài chế độ trợ cấp hằng tháng và một lần, NCC với cách mạng còn được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe theo chế độ Bảo hiểm y tế (không cùng chi trả); chế độ điều dưỡng luân phiên hằng năm; chế độ ưu đãi trong giáo dục-đào tạo; chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở… Các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp giúp đỡ các ĐTCS, NCC thông qua các phong trào đền ơn đáp nghĩa như phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng dụng cụ sinh hoạt gia đình… đã góp phần ổn định đời sống các gia đình chính sách.

* P.V: Xin ông cho biết một số kết quả trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thời gian qua mà thành phố Đà Nẵng đạt được?

- Ông N.H.H: Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác chăm lo đời sống cho ĐTCS theo phương châm: “Chính sách trợ cấp của Nhà nước + Sự chăm sóc của toàn xã hội thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” + Đối tượng chính sách tự vươn lên”. Vì vậy, trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Bằng chứng sinh động là hiện nay có 100% Bà mẹ VNAH còn sống được các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng với mức 1 triệu đồng/tháng/mẹ.

Bên cạnh đó, hơn 10 năm trở lại đây, toàn thành phố đã huy động hơn 47 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ xóa 1.200 nhà tạm cho gia đình chính sách; sửa chữa nhà ở cho 5.358 hộ chính sách (kinh phí hơn 24 tỷ đồng); tôn tạo, nâng cấp nhiều Nghĩa trang liệt sĩ. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể đã xây dựng 671 nhà tình nghĩa (trị giá gần 11 tỷ đồng) tặng gia đình chính sách…

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, từ nguồn ngân sách thành phố đã trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 300 nghìn đồng/tháng; trợ cấp thường xuyên cho 111 hộ có mức trợ cấp thấp, hoàn cảnh khó khăn với mức 150 nghìn đồng/tháng (từ năm 2004 đến nay); trợ cấp đột xuất cho 1.153 hộ đối tượng chính sách có mức trợ cấp thấp, khó khăn do khủng hoảng kinh tế với kinh phí hơn 1 tỷ đồng (từ tháng 9-2008-12-2008)…

Như vậy, công tác chăm lo các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua phát triển một cách sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống gia đình chính sách ngày càng tốt hơn… Hiện nay, 100% hộ gia đình chính sách có mức thu nhập bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; có gần 40% hộ chính sách có mức sống khá, không còn hộ chính sách ở nhà tạm hoặc nhà dột nát.

* P.V: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của phường, xã trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”?

- Ông N.H.H: Xã, phường là đơn vị hành chính cấp cơ sở, là nơi sinh sống của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, NCC giúp đỡ cách mạng. Vì vậy, xã, phường không chỉ là nơi thực hiện đầy đủ, chu đáo các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với NCC với cách mạng mà còn là nơi có nhiều sáng tạo, biết phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, của cộng đồng dân cư vào việc đáp ứng nhu cầu đa dạng trong đời sống hằng ngày của đối tượng chính sách.
 
Hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” càng khẳng định vị trí quan trọng không thể thay thế của xã, phường trong việc chăm sóc, ổn định đời sống đối với NCC với cách mạng. Hiện nay, 100% xã, phường được thành phố công nhận “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

* P.V: Để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng có những kế hoạch cụ thể gì?

- Ông N.H.H: Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực, thời gian tới, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tiếp tục tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc NCC, phát huy sức mạnh của thế “kiềng 3 chân” là chế độ trợ cấp của Nhà nước + sự chăm lo của toàn xã hội + đối tượng chính sách vượt khó vươn lên, xem đây là giải pháp quan trọng, phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, điều kiện của địa phương, cơ sở nhằm động viên được mọi nguồn lực của xã hội vào việc chăm lo đời sống NCC với cách mạng.

Bên cạnh đó, tiếp tục khẳng định khối xã, phường có vị trí hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Chỉ có xã, phường (nơi đối tượng chính sách sinh sống) mới có điều kiện sâu sát và thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể cũng như tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng, từ đó mới có giải pháp đúng, phù hợp nhằm giúp đỡ cũng như giải quyết chính sách, chế độ, nhu cầu cuộc sống sát, đúng, đủ và kịp thời cho NCC với cách mạng.

* P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.