(ĐNĐT) - Suốt 28 năm qua, ông bỏ tiền túi, toàn bộ số lương hưu của mình âm thầm đi tìm mộ liệt sĩ. Hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ nằm rải rác ở khắp các vùng núi rừng Trường Sơn, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh đã được ông quy tập, đem đến niềm vui cho hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sĩ. Với một số ngôi mộ, do gia đình liệt sĩ chưa có điều kiện chuyển về, ông quy tập lại về các nghĩa trang liệt sĩ của xã Hòa Phong, xã Hòa Khương chăm sóc, hương khói.
Ông là Phan Thanh Bình, sinh năm 1950, trú tại thôn Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Vì trách nhiệm, khó mấy cũng xong!
Cảm nhận đầu tiên thú vị về người đàn ông trong lần đầu tiên tôi gặp là giọng cười khà khà chất phác của người thương binh, cùng với sự lanh lợi, nhạy bén của một cán bộ năm nào vẫn còn toát ra trên khuôn mặt của ông. Ở tuổi 60, thường xuyên thực hiện những cuộc trèo đèo vượt suối, kiếm tìm trong rừng sâu núi thẳm, nguồn năng lượng của ông có lẽ chính là ý chí: quyết tâm tìm hài cốt đồng đội còn nằm lại giữa chiến trường.
Ông Bình say sưa kể về việc tìm mộ liệt sĩ. Ngôi mộ nào do chính tay ông chôn cất, ông đều ghi tên tuổi của liệt sĩ và bỏ vào trong penicilin để sau này dễ dàng tìm kiếm |
Lớn lên từ mảnh đất giàu truyền thống anh hùng, tinh thần đấu tranh có trong người ông từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi mới là học sinh lớp 10, Phan Thanh Bình đã tham gia sôi nổi vào phong trào của HSSV đấu tranh chống lại chế độ tàn ác của đế quốc Mỹ trên quê hương. Từ năm 1965-1975, ông nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của mặt trận Đà Nẵng. Trong hơn 10 năm tham gia chiến đấu, ông đã tham gia 43 trận đánh lớn nhỏ trên khắp các mặt trận. Năm 1975, ông đi Liên Xô làm công nhân, rồi lại về quê hương.
Là một người lính, nên ông dường như thấu hiểu sâu sắc những nỗi đau, khi chứng kiến cảnh những người mẹ tìm con, những người vợ tìm chồng, con tìm cha, đồng đội tìm nhau.... Điều đó đã thôi thúc, khiến trong ông, dường như lúc nào cũng luôn canh cánh trong lòng về hình ảnh của những người đồng đội cùng đơn vị chiến đấu đã hy sinh, và phải nằm lại nơi chiến trường. Cặm cụi làm ăn, gồng gánh gia đình, với 5 đứa con thơ dại, năm 1982, khi đã qua giai đoạn khó khăn, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch đi tìm mộ đồng đội do chính tay mình chôn cất. Ông thường nhắc nhở vợ con: “Mình may mắn còn sống, phải có trách nhiệm với anh em đã mất”.
Câu chuyện của ông nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Nhiều người sau bao năm tìm không ra hài cốt người thân nghe vậy tìm đến. Có những bà mẹ đã bảy tám mươi tuổi ở tận Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội… cũng tìm đến đều được ông nhận lời. Nhận lời giúp, ông không ngại khó, đi từ Huế đến các vùng núi ở Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam... rồi sang cả nước bạn Lào.
Trong hơn 28 năm qua, 108 hài cốt của đồng đội đã được ông tìm thấy và đã quy tập về nghĩa trang của xã. Trong đó có 79 ngôi mộ đã được đưa về các gia đình ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... “Mỗi lần tìm được mộ liệt sĩ, tôi thấy cuộc đời mình còn nhiều ý nghĩa lắm. Đồng đội trước đây đã từng sống chết có nhau, từng nhường cơm sẻ áo cho nhau, anh em luôn coi nhau như người một nhà... Có nhiều trường hợp, do không biết đường chính xác nên tôi phải thuê người chỉ đường 50 nghìn đồng mỗi ngôi mộ”, ông Bình tâm sự.
Có nhiều kỷ niệm trong các cuộc hành trình đi tìm mộ liệt sĩ mà ông Bình nhớ mãi và mỗi lần nhắc đến, ông lại nghẹn ngào. Đó là trường hợp đi bốc hài cốt của liệt sĩ Đỗ Xuân Tiền (quê Thái Bình). Ông Bình nhớ như in, khi anh Tiền hy sinh, chính tay ông và đồng đội chôn cất, và để đánh dấu, ông cho chôn ngay dưới hố bom bên dưới tảng đá lớn để sau này đi tìm dễ dàng hơn. Thời gian trôi đi, tảng đá vẫn còn, nhưng giờ đây nó đã đè lên ngôi mộ, khiến công việc bốc mộ gặp rất nhiều khó khăn.
Còn sức còn đi tìm!
Băn khoăn lớn nhất của ông Bình là hiện nay, ở vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) vẫn còn tới 114 hài cốt của đồng đội do chính tay ông chôn, vẫn chưa quy tập được do còn nhiều khó khăn, mà theo ông, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. “Tôi thấy vui với những người thân liệt sĩ, khi họ tìm thấy hài cốt các anh. Tôi muốn xoa dịu một phần mất mát, đau thương mà bao năm họ mang nặng trong lòng. Nhưng với các mộ phần dù biết nơi chính xác, mà chưa có cơ hội đưa các anh trở về đoàn tụ, tôi thấy trách nhiệm của mình còn lớn lắm. Tôi chỉ mong đồng đội phù hộ cho mình có được thật nhiều sức khỏe để giúp được nhiều hơn nữa”, ông nói.
Ông Bình (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình liệt sĩ trước mộ phần của liệt sĩ Đỗ Xuân Tiền. Ngôi mộ nằm ngay dưới tảng đá lớn nặng 10 tấn khiến cho quá trình bốc mộ gặp rất nhiều khó khăn |
Có những gia đình liệt sĩ khó khăn đi tìm mấy tháng trời, đến khi cạn túi, ông sẵn sàng đưa họ về nhà “tạm trú”. “Cũng là hoàn cảnh khó khăn như mình thôi nhưng họ còn đau hơn mình nữa. Có ở trong hoàn cảnh ấy mới biết nỗi đâu, niềm mong mỏi đợi chờ của họ như thế nào”, ông Bình tâm sự. Hiểu ân nghĩa của chồng, vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó đã luôn ủng hộ và luôn đồng hành cùng ông. Bà cố gắng đảm đương công việc của gia đình, chăm lo cho các con học tập thật tốt, để ông yên tâm với công việc, mà theo bà là “việc nghĩa lớn lao” không phải ai cũng làm được. “Ông ấy đi suốt. Nhiều khi trúng vào vụ thu hoạch rồi mà có chịu ở nhà đâu. Hễ có ai đến nhờ tìm mộ là lại đi liền”, bà Ngọc cho hay.
Với những việc đã làm đầy nghĩa cử đối với xã hội, ông đã vinh dự nhiều lần được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền, đoàn thể của TP Đà Nẵng trao tặng.
Chia tay gia đình người thương binh có tấm lòng vàng, với cái bắt tay thật chặt, tôi thấy trong ánh mắt ông còn ánh lên những nét rạng ngời. Bởi ông đã góp một phần máu xương, giờ đây trong thời bình, lại là người đem đến bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc cho hàng trăm gia đình thân nhân liệt sĩ trên khắp đất nước. Thế nhưng, trong ánh mắt kia vẫn như còn ẩn chứa một nỗi lòng nặng trĩu, mà tôi đoán rằng, ông chưa thấy vui khi biết còn nhiều đồng đội của mình vẫn còn đang nằm khắp nơi trên đất nước này.
Và với ông, tới chừng nào còn sức lực thì ông vẫn sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình, như một trách nhiệm, một sứ mệnh lao trong cuộc đời.
Bài và ảnh: Yên Giang