.
Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

Kỳ 1: Tai nạn giao thông, hiểm họa khôn lường

.

Tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang trở thành “vấn nạn” của toàn xã hội. Mỗi vụ TNGT xảy ra sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, mất mát về người và của mà còn rất nhiều người phải trải qua những ngày dài đen tối trong ngục tù. Vì vậy, chưa bao giờ vấn đề TNGT lại được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm như hiện nay. Để hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, đòi hỏi các cấp, ngành mà đặc biệt là lực lượng CSGT có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Những nỗi đau lớn sau một vụ tai nạn...

Phóng nhanh vượt ẩu, một xe tải cẩu gây tai nạn nghiêm trọng tại đường Điện Biên Phủ làm nhiều người bị thương nặng.  

TNGT luôn để lại cho nạn nhân cũng như gia đình họ những nỗi đau. Mỗi một vụ TNGT xảy ra, nhẹ thì bị thương tích, còn nặng thì dẫn đến tử vong. Trong khi đó, người gây ra TNGT cũng phải trả một cái giá rất đắt, không chỉ bồi thường tiền bạc mà còn phải vào chốn lao tù.

Vào một buổi chiều giữa tháng 8-2009, ông Bùi Ngọc Đ. (52 tuổi), trú đường Trần Phước Thành, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ điều khiển xe máy đi trên đường Trường Chinh theo hướng Ngã ba Huế về Ngã ba Hòa Cầm. Biết đường Trường Chinh thường xảy ra TNGT vì tình trạng xe khách hay phóng nhanh vượt ẩu để giành khách, nên ông Đ. điều khiển cho xe chạy sát bên lề. Vậy nhưng một chiếc ô-tô chạy từ phía sau với tốc độ cao đã lấn sang phần đường nơi xe ông đang chạy rồi đụng vào manh xe khiến ông rơi vào thanh chắn đường sắt, bị thương tích rất nặng.
 
Sau vụ tai nạn kinh hoàng đó, dù tính mạng được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng giành giật lại từ thần chết, nhưng ông Đ. đã liệt nửa người, không còn khả năng lao động. Sau khi gây tai nạn chiếc ô-tô đã bỏ chạy, không đoái hoài gì đến nạn nhân. Từ một lao động chính trong gia đình, nay ông trở thành một gánh nặng cho vợ con, hằng ngày phải trông chờ vào đồng tiền phụ hồ của vợ mình để ăn uống và thuốc thang…

Tuy nhiên, trường hợp ông Đ. vẫn còn may mắn hơn hàng chục người khác vì còn sống sót sau vụ tai nạn hãi hùng đó. Bởi lẽ trong thời gian qua, ở địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất thương tâm. Điển hình như lúc 15 giờ ngày 22-6-2010, chị L.H.P (27 tuổi), trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà điều khiển xe máy đi trên đường Trường Chinh (đoạn gần đường tàu thuộc địa phận Ngã ba Huế) thì bị ô-tô tải chạy từ đường Tôn Đức Thắng qua đường Trường Chinh tông vào phía sau.

Cú tông quá mạnh, làm cả xe và người lọt dưới gầm xe tải. Hậu quả, chị P. chết ngay tại chỗ. Những người chứng kiến vụ tai nạn này không khỏi rơi nước mắt và càng xót xa hơn khi biết chị chỉ mới lập gia đình chưa đầy 1 năm. Dĩ nhiên, người gây ra tai nạn sẽ bị xử lý trước pháp luật, nhưng không gì có thể bù đắp được nỗi mất mát mà gia đình chị P. phải gánh chịu. Và liệu, trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời mình, người lái xe ấy có thôi day dứt về tội lỗi mà mình gây ra?

Trước đó, vào tháng 2-2009, một vụ TNGT thương tâm xảy ra đã làm tan nát một gia đình, con mất mẹ, chồng mất vợ. Được biết, vào một buổi tối tháng 2-2009, chị Lê Thị T (28 tuổi, trú thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương) điều khiển xe máy chở 2 con gái đi trên đường ĐH-409 (thuộc địa phận xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) thì bị một người đi ngược chiều va quẹt vào khiến chị rơi xuống hố một công trình đang xây dở bên đường không che chắn. Hậu quả, chị T. tử vong, 2 con gái bị thương nặng. Sau vụ tai nạn ấy, gia đình chị T. lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn… 

Trên đây chỉ là một vài vụ trong số vô vàn những vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua. Có rất nhiều người chết mà không kịp trăng trối một lời, có những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng phải sống cuộc đời còn lại bằng đời sống thực vật... Ai cũng thấy hậu quả ghê gớm của TNGT nhưng tại sao con số thương vong do TNGT vẫn xảy ra hằng ngày?

Đâu là nguyên nhân?

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 90 vụ TNGT đường bộ (tăng 26 vụ so với cùng kỳ năm 2009). Tuy nhiên, TNGT nghiêm trọng không xảy ra. Điều đáng mừng là số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ. Về nguyên nhân gia tăng TNGT, theo Trung tá Lê Ngọc, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố thì phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông trên đường.
 
Theo phân tích, trong số 90 vụ TNGT gần đây có 27,7% số vụ do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường; 17,7% số vụ do tránh, vượt sai quy định; 16,6% số vụ do không chú ý quan sát khi điều khiển xe trên đường; 11% số vụ vi phạm về tốc độ; 7,8% số vụ do người điều khiển uống rượu, bia và 18,8% số vụ do nguyên nhân chủ quan khác gây ra. Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 12 vụ, đang điều tra 27 vụ khác…

Theo nhìn nhận của ngành chức năng, các trường hợp lạng lách, đánh võng, uống rượu bia, đi ngược chiều là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn. Rất nhiều người cẩn trọng, đi xe đúng tốc độ, đúng làn đường nhưng “họa vô đơn chí” khi gặp những đối tượng trên. Ngoài ra,  không ít vụ TNGT mà nguyên nhân là do các xe ô-tô phóng nhanh, vượt ẩu gây ra. Qua tìm hiểu các vụ TNGT ở các tuyến đường như Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Quốc lộ 14B thì hầu hết lỗi đều nằm ở lái xe ô-tô. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa được nêu trên đa số bắt nguồn từ xe ô-tô phóng nhanh, vượt ẩu trên đường.

Một nguyên nhân nữa góp phần gia tăng TNGT trong thời gian qua chính là bất cập trong vấn đề tổ chức giao thông. Theo Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố thì hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều tuyến đường không có vạch kẻ đường, hoặc có nhưng mờ…, vị trí biển báo cắm không hợp lý, mặt đường gồ ghề, gây khó khăn, trở ngại cho người tham gia giao thông; một số tuyến cây xanh che lấp biển báo, cây xanh trên dải phân cách vượt quá chiều cao quy định, che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông. Một số bùng binh như bùng binh trên đường Lê Văn Hiến (đối diện Trung tâm hành chính quận Ngũ Hành Sơn) có diện tích quá lớn, không phù hợp với diện tích nút giao thông đã dẫn đến TNGT. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 22 vụ TNGT ở bùng binh này, trong đó có một vụ dẫn đến chết người…

Để giữ vững tiêu chí “3 giảm” (giảm số vụ, người chết và bị thương) từ nay đến cuối năm,  lực lượng CSGT cần có những biện pháp chủ động nhằm kiềm chế, tránh những cái chết đáng tiếc xảy ra cho người dân.
            
(Còn nữa)    

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.