Đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở các xã miền núi huyện Hòa Vang, từ năm 2000 đến nay, thành phố và một số tổ chức quốc tế đã đầu tư xây dựng khá nhiều công trình dẫn nước tự chảy từ núi cao về hoặc hút nước ngầm tại chỗ. Tuy vậy, đến nay không ít công trình bị hư hỏng không được khắc phục, sửa chữa đã và đang trở thành phế tích, trong khi người dân quanh năm thiếu nước sạch.
Công trình cấp nước sạch cho thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh đã thành phế tích từ mấy năm nay. |
Công trình đầu tiên đắp chiếu là hệ thống nước tự chảy tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (Hòa Vang). Công trình này xây dựng từ năm 2002, do một tổ chức quốc tế tài trợ, lấy nước từ Hố Túi dẫn theo đường ống phi 90 về địa bàn thôn dài 3km, vốn đầu tư ngót nửa tỷ đồng. Trên địa bàn thôn này xây dựng 5-6 bể chứa có lắp đặt các vòi nước. Công trình này chỉ sử dụng gần một năm là hư hỏng. Theo người dân địa phương, do đường ống dẫn nước bị tắc không ai sửa chữa, lâu ngày trở thành hoang phế. Ông Phan Minh Hoàng, phó thôn cho rằng: Nhìn hệ thống nước sạch tốn khá nhiều tiền của bị bỏ hoang phế mà xót ruột. Chung quy chỉ vì công trình không bảo đảm chất lượng, khai thác sử dụng ít tháng là hỏng. Để có nước dùng, bà con phải tự đầu tư đào giếng khơi. Rất may, vùng này nước giếng trong lành, mùa nắng nóng ít khi khô hạn.
Cũng trong địa bàn thôn Trung Nghĩa, dự án di dân 33 hộ từ đầu nguồn hồ Hòa Trung ra tái định cư có hạng mục cấp nước bằng giải pháp khoan cho mỗi hộ một giếng hút nước ngầm tại chỗ đẩy lên bể chứa. Thời gian đầu, ai cũng cho rằng đây là giải pháp khả thi. Tuy vậy đến mùa khô hạn, không còn nước để bơm, các giếng đã khoan và bể chứa sớm trở thành chướng ngại vật ở mỗi gia đình. Năm 2008, bộ đội về làm công tác dân vận tại đây đào cho 33 hộ này 3 giếng khơi sâu hơn chục mét mới có nước để dùng.
Ở xã Hòa Phú, ít nhất 3 thôn có công trình nước sạch hư hỏng từ lâu. Công trình này sử dụng vốn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia, lấy nước từ suối Lương đầu thôn Phú Túc dẫn về cho các thôn Phú Túc, Hòa Hải và Đông Lâm bằng đường ống chôn ngầm. Nay chỉ còn hơn nửa thôn Phú Túc có nước, còn các nơi khác hệ thống cấp nước đã hoang phế từ lâu. Đối với hệ thống cấp nước cho thôn Phú Túc, gần chục năm qua ít nhất đã 3 lần nâng cấp sửa chữa. Lần mới đây nhất vào năm 2008, kinh phí 700 triệu đồng do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư. Thế nhưng khu vực Hố Chình 30 hộ chỉ có nước ít tháng sau khi nâng cấp, sửa chữa là mất hẳn, bà con ở đây ngày nào cũng kéo nhau ra suối phía sau nhà Gươl lấy nước về dùng.
Tại xã Hòa Liên, công trình cấp nước cho thôn Hưởng Phước do Tổ chức Tầm nhìn thế giới đầu tư, không sử dụng được một ngày. Hiện tại hệ thống máy móc, thiết bị của công trình này vẫn đầy đủ, bể nước dung tích lớn đúc bê-tông cốt thép cao ngất. Có điều, nước ngầm tại chỗ bị nhiễm phèn, đành án binh bất động ngay sau ngày đưa vào sử dụng. Hiện nay, công trình có vốn đầu tư khá lớn này đang là chứng tích minh chứng cho việc khảo sát không chu đáo.
Bồn chứa nước ở hệ thống cấp nước sạch cho thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên không sử dụng được ngay khi hoàn thành đến nay. |
Ngoài các công trình nêu trên, ở Hòa Vang còn khá nhiều công trình tương tự, hầu như địa phương nào cũng có. Có thể nói, hệ thống cấp nước cho các xã miền núi triển khai nhiều nhưng hiệu quả rất thấp, dẫn tới quá lãng phí vốn đầu tư.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là chất lượng công trình không bảo đảm yêu cầu thiết kế. Đường ống ngầm dẫn nước khá dài, trong khi xử lý rác ở đầu mối không chu đáo, thường bị tắc nghẽn. Đó là chưa nói, đơn vị thi công lắp đặt loại đường ống không bảo đảm tiêu chuẩn. Khi bị tắc không sửa chữa kịp thời, để lâu ngày khó khắc phục. Có công trình đành chấp nhận hoang phế như công trình ở thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú... Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng các công trình này thuộc diện phúc lợi, người dân chỉ biết dùng mà ít có tinh thần quản lý, bảo vệ. Cùng theo đó, sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng không đến nơi đến chốn, dẫn tới tình trạng hư hỏng kéo dài không ai sửa chữa.
Theo Chi cục Thủy lợi và PCLB, đơn vị chịu trách nhiệm cấp nước sạch ở khu vực nông thôn, đến nay có hơn 60% người dân khu vực này có nước sạch. Tuy vậy, theo Công ty Cấp nước Đà Nẵng, ở nông thôn mới có 27,4% số hộ có nước sạch, trong đó gần 20% dùng nước đã qua xử lý. Cho dù số liệu nào đi nữa, đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn sẽ còn phải triển khai. Và như vậy, từ bài học của các công trình cấp nước sớm thành phế tích, chủ đầu tư nên chọn phương án khả thi hơn để không lặp lại tình trạng tương tự, người dân nông thôn có nước sạch sử dụng ổn định lâu dài.
Bài và ảnh: Hoài Nam