.

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

.

Tai nạn thương tích (TNTT) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, thương tích và tàn tật cho trẻ em ở Việt Nam. Riêng ở Đà Nẵng, theo điều tra cơ bản về tình hình TNTT trẻ em năm 2006, thì có đến 55% các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 18 tuổi do đuối nước gây ra và có gần 90% trường hợp tử vong do đuối nước vì không biết bơi. Sự việc 2 em nhỏ chết đuối tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang mới đây cho thấy, trẻ em nông thôn vẫn còn thiếu những kiến thức và kỹ năng phòng tránh TNTT.

Giảm nguy cơ TNTT tại nhà, trường học

Khuôn viên các trường tiểu học của thành phố đã được kiểm tra về mức độ an toàn cho học sinh trong giờ ra chơi. 

Mới đây, trong hội nghị tổng kết dự án phòng chống TNTT ở trẻ em tại thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Dự án an toàn Đà Nẵng do Tổ chức TASC Hoa Kỳ tài trợ) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát tại quận Thanh Khê và Hải Châu cho thấy, nguy cơ dẫn đến tai nạn như ngã, bỏng, ngộ độc, đuối nước, điện giật... luôn hiện hữu nơi trẻ sinh hoạt trong nhà. Cuộc khảo sát cho biết, hiện tỷ lệ gia đình có cầu thang trong nhà tại Đà Nẵng chiếm hơn 90%, tuy nhiên chỉ có 87% số gia đình mà cầu thang có tay vịn để tránh nguy cơ té ngã cho trẻ.

Các yếu tố gây ra tai nạn bỏng và đuối nước từ các ao, hồ quanh nhà, tập trung nhiều ở khu vực nông thôn, những dự án xây dựng đang tiềm ẩn gây ra các vụ tai nạn cho trẻ em. Cho đến nay, sau 2 năm thực hiện Dự án an toàn tại Đà Nẵng, các hoạt động can thiệp nhằm giảm những yếu tố gây hại và gây ra TNTT được triển khai có hiệu quả với mô hình “Ngôi nhà an toàn” triển khai tại quận Thanh Khê, Hải Châu và mô hình “Trường học an toàn” triển khai tại 100% trường tiểu học của thành phố.

Trong năm học 2008-2009, chương trình giảng dạy phòng, chống TNTT đã được triển khai tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Ngành Giáo dục-Đào tạo đưa vào sử dụng hệ thống bảng kiểm an toàn tại 99 trường tiểu học. Ngoài ra, các chương trình can thiệp tại trường học như giáo dục kỹ năng an toàn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giảng dạy phòng chống TNTT đối với học sinh. Dự án cũng đã tập huấn cho hơn 600 giáo viên của 99 trường tiểu học về kỹ năng thực hiện chương trình giảng dạy phòng chống TNTT.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội chia sẻ, mục tiêu của Dự án là phát triển và áp dụng chương trình đào tạo tích hợp về phòng chống TNTT. Theo đó, các trường học xây dựng và áp dụng mô hình bảng kiểm an toàn trường học nhằm giảm thiểu nguy cơ TNTT cho học sinh. Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình “Trường học an toàn” hiện tại, Sở Giáo dục-Đào tạo lồng ghép chương trình giảng dạy phòng chống TNTT vào phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Kỹ năng “bơi sống sót”

Kết quả nổi bật của Dự án an toàn triển khai tại Đà Nẵng là chương trình huấn luyện cho hàng ngàn trẻ em những kỹ năng bơi an toàn, phòng đuối nước. Để triển khai có hiệu quả chương trình này, 108 giáo viên và 8 nhân viên cứu hộ bãi biển được tập huấn kỹ năng bơi an toàn và sơ cấp cứu hồi sinh tim, phổi. 10 hồ bơi di động được lắp đặt tại các trường tiểu học. Theo kết quả thống kê từ Sở Giáo dục-Đào tạo, đến nay đã có 5.000 học sinh tiểu học tham gia chương trình bơi an toàn.

Khi tham gia chương trình này, các em được học các kỹ năng bơi sống sót, kỹ năng cứu đuối và kiến thức về an toàn nước thông qua 20 bài học đã được Tổ chức Royal Life Saving công nhận. Chương trình sẽ có 2 cấp độ, cơ bản và nâng cao. Sau khi hoàn thành chương trình, trẻ có khả năng bơi được 25 mét hoặc tự nổi trên mặt nước trong vòng 90 giây. Theo các nghiên cứu trên thế giới cho biết, với khả năng bơi hoặc nổi trên mặt nước như vậy sẽ  giúp trẻ có khả năng tự cứu mình hoặc được người khác cứu. Những kỹ năng này sẽ tồn tại suốt cuộc đời của trẻ và sẽ giúp cho trẻ có được biện pháp bảo vệ bản thân với những nguy cơ ở cộng đồng. 

Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, theo đánh giá độc lập của các chuyên gia phòng, chống TNTT trên thế giới, mô hình “bơi an toàn” tại Đà Nẵng đang là một mô hình có quy mô rộng và được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về nội dung và cơ sở vật chất, đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế. Mô hình này đang đạt hiệu quả cao trong việc phòng chống đuối nước ở trẻ em, cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước.     

Bài và ảnh: Việt Dũng

;
.
.
.
.
.