.

“Sống xứng đáng, chết vẻ vang”

.

Gian khổ, thách thức thời nào cũng có nhưng kháng chiến chống Mỹ được xem là khốc liệt nhất. Lúc đó, những cán bộ ngành Tuyên huấn đã “sống xứng đáng, chết vẻ vang”, cống hiến hết mình, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Các thế hệ cán bộ ngành Tuyên huấn thắp hương tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh năm 1972, được chôn cất trên một ngọn đồi tại khu căn cứ Hòn Tàu.

Dừng chân tại nơi các liệt sĩ ngành Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh đêm 21 rạng sáng ngày 22-5-1972 tại khu căn cứ cách mạng Hòn Tàu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), những cán bộ ngành Tuyên huấn không nén được xúc động, ánh mắt họ ẩn chứa bao nỗi buồn vui lẫn lộn. Năm lần bảy lượt lặn lội băng rừng, đến nay, ông Nguyễn Hữu Mai mới tìm thấy nơi khi xưa mình cùng đồng đội sống và làm việc. Trong tâm trí ông vẫn âm vang tiếng nói, giọng cười của những thanh niên đầy nhiệt huyết, sẵn sàng chấp nhận gian lao, thử thách để làm tròn trách nhiệm của người cán bộ Tuyên huấn.
 
Dấu tích xưa giờ còn lại chỉ là những cuộn phim đã phai màu, chiếc ca uống nước đã hoen rỉ, là chiếc máy 15W bị vùi lấp dưới sức nặng ngàn tấn của những tảng đá do bom nổ làm sập xuống. Trận bom B52 khốc liệt năm ấy đã vùi chôn thân xác những người con ưu tú của đất nước, để lại bao tiếc thương cho đồng đội. Và đến nay, nỗi thương nhớ ấy đã biến thành động lực, thành sức mạnh tinh thần giúp các anh quên đi bao nhọc nhằn, mệt mỏi tìm về căn cứ của ngành Tuyên huấn Quảng Đà, về với những đồng chí đã ngã xuống dưới trận bom năm nào.

Trong cái u tịch, tĩnh lặng của rừng, ông Nguyễn Hữu Mai vừa băng rừng vừa nhớ lại: “Lúc anh em tôi ở đây thì rừng làm chi yên tĩnh như bây chừ. Bom đạn nổ liên miên, không chỗ này thì lại nổ ở khu vực khác. Nguy hiểm là vậy nhưng anh chị em cơ quan Tuyên huấn vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, người viết báo, người tham gia đội chiếu phim…, bom nổ chỗ này thì lại di chuyển đi chỗ khác, cứ bám trụ ở vùng rừng núi khốc liệt này nhưng tinh thần ai cũng lạc quan”.

Trong chuyến về thăm khu căn cứ Hòn Tàu, ông Hồ Duy Lệ, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam dẫn chúng tôi đến hang đá nơi những cán bộ, phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà đã sống và làm việc những năm kháng chiến chống Mỹ. “Đây là nơi tôi và anh Nguyễn Đình An mắc võng nằm, chỗ này chúng tôi ngồi viết báo, là nơi những đồng đội tôi cùng chia ngọt sẻ bùi…”, ký ức năm xưa cứ thế tràn về, đầy ắp trong ánh mắt của người cán bộ Tuyên huấn năm xưa nay tóc đã điểm bạc. Cũng ánh mắt ấy ít phút trước đã ngân ngấn lệ khi cùng anh em đồng chí tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh cách hang đá nơi ông trú ẩn hơn chục mét.

Nhà báo Hồ Duy Lệ xúc động tâm sự: “Cách đây hơn một năm, chị Thọ, vợ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng đã nói với chúng tôi: Hài cốt có thể không đem về được, nhưng chỉ cần làm sao chỉ nơi anh Tùng đã ngã xuống đêm 21 rạng sáng ngày 22-5-1972 để cho con, cho cháu sau này đến thắp nén hương”. Mong ước ấy, giờ đây đã trở thành hiện thực. Trước hang đá nơi liệt sĩ Hoàng Kim Tùng cùng 4 liệt sĩ khác nằm xuống, anh Hoàng Tuấn Anh, con trai của liệt sĩ cùng vợ và con nghẹn ngào khi chứng kiến nơi cha, ông mình đã ngã xuống.

38 năm từ ngày cha hy sinh, cháu nội sinh ra không biết diện mạo của ông nội nhưng giờ đây, họ đã thỏa nguyện khi được thắp nén hương, làm lễ cúng vong linh theo phong tục tập quán truyền thống ngay tại nơi cha, ông mình hy sinh. Cháu nội của liệt sĩ Hoàng Kim Tùng được đặt tên là Duy để tưởng nhớ đến vùng đất Duy Xuyên, nơi ông của cháu hy sinh. Đã hai lần bé Hoàng Kim Khánh Duy đến với khu căn cứ Hòn Tàu và trong lần thứ hai này, Duy đã chứng kiến tận mắt hang đá đang vùi chôn thân thể ông nội mình.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ Duy, nói với chúng tôi rằng: “Duy ngoan lắm, cháu xin đi cùng để tới đây “báo công” với ông nội, kể về những thành tích học tập trong năm vừa rồi và thắp hương cúng ông”. 3 thế hệ: Ông, cha, cháu giờ đây đã đoàn tụ, chỉ tiếc rằng, hài cốt của liệt sĩ Hoàng Kim Tùng không thể đưa về quê hương cho gần gũi với vợ, con và cháu nội vì hang đã bị đá nặng vùi lấp. Anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng, từ tỉnh Hải Dương vào, nghẹn ngào nói: “Gia đình chúng tôi rất toại nguyện vì biết nơi bố tôi đã ngã xuống. Bây giờ chỉ mong làm sao mở được hang, còn hài cốt thì tốt, không thì cũng bốc được nắm đất đưa về quê để hương khói cho bố”.

38 năm trôi qua, nơi các liệt sĩ ngã xuống nay đã ấm hương trầm, hương hồn họ chắc giờ đã thanh thản hơn khi biết rằng, các cán bộ ngành Tuyên huấn năm xưa và thế hệ hiện tại luôn nhớ đến những cống hiến không mệt mỏi của đồng đội, đồng chí cho sự nghiệp tuyên huấn của Đảng. Những cán bộ Tuyên giáo hôm nay mãi mãi khắc sâu lịch sử vẻ vang của những bậc cha chú đi trước và xem đó là biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất, kiên cường, là tấm gương để học tập và noi theo trong suốt chặng đường cống hiến cho quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.