.

Tâm bão số 1 sẽ vào Hải Phòng - Nghệ An

.

(ĐNĐT) - Tâm bão số 1 sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An với sức gió mạnh cấp 10, 11. Đến nay đã có 6 tàu bị chìm và 5 tàu đang bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa

Nhiều tàu cá gặp nạn

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng nay 17-7, tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm 172 tàu/1.320 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 30 tàu/396 người ở Hoàng Sa).
 
Trong đó,  số tàu thuyền bị hư hỏng, chìm là 6 tàu/70 người (Quảng Ngãi: 5 tàu/68 người; Hà Tĩnh 1 tàu 3 người đã được cứu vớt an toàn). Số tàu thuyền vẫn giữ liên lạc: 167 tàu/1.253 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 25 tàu/3297 người).

Hiện nay, quan tâm nhất là 5 tàu/67 người của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đã cứu được 29 người trên 2 tàu, còn 38 người/3 tàu hiện đang được ngư dân các tàu xung quanh tìm cách tiếp cận, cứu vớt.

Dùng dây kiên cố lại lồng bè chuẩn bị phòng chống bão. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Di dời trên 151.000 dân khỏi nơi nguy hiểm

Tính đến 6 giờ ngày 17-7, tổng số dân dự kiến theo kế hoạch sẽ di dời: 151.455 người (Hải PHòng 4.756 người; Nam Định 2.525 người; Thái Bình 6.019 người; Ninh Bình 1.100 người; Thanh Hoá 137.055 người).
 
Trong đó, số dân đã di dời 3.394 người (Hải Phòng 1.200 người, Thái Bình 434 người; Nam Định 1.660 người, Ninh Bình 100 người). Số dân chưa di dời: 148.061người (Hải Phòng 3.556 người; Nam Định 865 người; Thái Bình 5.585 người; Ninh Bình 1.000;Thanh Hoá 137.055 người). Thời gian hoàn thành di dời dân dự kiến trong sáng 17-7.

Tâm bão đi vào các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An

Dự báo hướng đi của bão số 1. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương)

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nghệ An khoảng 280 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đến 16 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Nghệ An khoảng 100 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 220 km.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đổ bộ vào vùng bờ biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Sau khi vào bờ, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 18-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, ngay trên địa phận các tỉnh Hòa Bình – Phú Thọ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Tính từ tâm áp thấp nhiệt đới, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 120 km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Sóng biển cao từ 4 – 7 mét. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Từ sáng ngày 17-7 ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Hơn 4.000 tàu bè ở Nghệ An đã vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: VnExpress,net

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và diễn biến của bão, quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi; tiếp tục nắm chắc số lượng tầu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tầu thuyền trong các khu vực tránh trú bão; huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; có biện pháp đảm bảo an toàn người và tài sản trên các công trình xây dựng. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm; tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi.

UBND các tỉnh, vùng núi và trung du phía Bắc chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để chủ động đối phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày; cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực bão sẽ đổ bộ vào chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.