Lâu nay, việc khám phá thành công các vụ án hình sự liên quan đến giết người, hiếp dâm... trên địa bàn thành phố, người ta thường nghĩ ngay công trạng đầu tiên là lực lượng Công an. Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ pháp y của Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã góp phần rất quan trọng trong việc tìm ra “ánh sáng” của các vụ án, giúp các cơ quan tố tụng có đủ bằng chứng để xử lý vụ việc đúng người, đúng tội. Họ là những con người ngày đêm thầm lặng hy sinh, cống hiến để tìm lại sự công bằng cho những người đã chết và gia đình nạn nhân.
Đối mặt với hiểm nguy, bệnh tật
Trung bình hằng năm, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng khám nghiệm tử thi khoảng gần 300 trường hợp và giám định thương tật, giám định xâm hại tình dục... cho hàng trăm trường hợp khác ở địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Dựa trên các kết luận giám định pháp y, các cơ quan điều tra, tố tụng xét xử các vụ án đúng người, đúng tội. Và ít ai biết được, để tìm được các chứng cứ khoa học chính xác này, các bác sĩ pháp y phải đối mặt với bao nguy hiểm, độc hại, khó khăn.
Tối ngày 7-5-2010, anh Võ Văn Khánh (1981), trú xã Đại An, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chết tại phòng tạm giữ Công an huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Theo khám nghiệm của Pháp y Công an tỉnh Quảng Nam, anh Khánh chết là do treo cổ tự tử bằng dây buộc giày. Thế nhưng, gia đình nạn nhân không tin và cho rằng, khi khâm liệm đã phát hiện từ phần ngực xuống hai bên sườn của anh Khánh có vết dấu giày in đậm và tím bầm nhiều chỗ. Bức xúc, ngày 10-5, gia đình anh Khánh mời Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng tiến hành mổ tử thi lần 2 để khám nghiệm, tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Bác sĩ Hoàng Tiến Dũng, giám định viên Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng, là một trong những người tiến hành mổ tử thi anh Khánh lần 2 kể lại, do xác anh Khánh đã được khâm liệm 3 ngày, khi mở nắp hòm, mùi tử khí bốc lên nồng nặc khắp căn nhà. Thấy vậy, người thân của anh Khánh đã bỏ đi nơi khác vì không chịu nổi mùi hôi. Riêng các bác sĩ pháp y vẫn miệt mài tiến hành khám nghiệm suốt hơn 6 giờ đồng hồ, bất chấp mùi hôi thối của xác chết biến dạng bốc lên. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, các dấu vết trên cơ thể anh Khánh là do quá trình cấp cứu của các bác sĩ Bệnh viện Vĩnh Đức (Quảng Nam) gây ra trước đó, chứ không phải do bị đánh đập mà chết.
Vào đầu tháng 3-2010, tại bãi biển thôn Hòa Vân (quận Liên Chiểu), người dân phát hiện có một xác thanh niên chết trôi, nổi trên mặt nước và đang trong quá trình phân hủy. Người dân nghi ngờ có thể thanh niên này bị đánh chết và thả xuống biển... Theo yêu cầu của cơ quan Công an, các bác sĩ Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã vào cuộc khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân gây ra cái chết của thanh niên này. Các bác sĩ thực hiện công tác khám nghiệm pháp y kể lại, vì nạn nhân chết đã 4-5 ngày, nên xác bị biến dạng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dù vậy, để tránh sự nghi ngờ, thêu dệt của người dân, các bác sĩ pháp y đã tiến hành khám nghiệm tỉ mỉ và xác định được nạn nhân chết là do bị ngạt nước, chứ không phải bị giết vứt xác xuống biển như tin đồn.
Bác sĩ Võ Đình Thạnh, Giám đốc Trung tâm Pháp y cho biết: Trước mỗi vụ việc phải khám nghiệm tử thi, tuy đó là những cơ thể chết nhưng việc tìm ra các chi tiết liên quan đến cái chết lại nói lời nói của người sống. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm ra sự thật, nhằm giải tỏa những ẩn khuất trong lòng đối với những người sống. Vì thế, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy, các giám định viên vẫn quyết tâm tìm cho ra nguyên nhân gây nên cái chết của nạn nhân.
Nỗi niềm ai tỏ
Cho đến nay, vẫn chưa có các loại thuốc, hóa chất để khử mùi hôi trong quá trình khám nghiệm tử thi. Bác sĩ Hoàng Tiến Dũng cho hay, để giảm thiểu mùi hôi thối của xác chết, trong quá trình khám nghiệm, các giám định viên chỉ có thể dùng rượu mạnh, các loại dầu thơm để rửa xác, hạn chế mùi hôi. Tuy vậy, với những xác chết 1 tuần lễ hay 10 ngày trở lên, đang trong quá trình phân hủy mạnh thì có rửa bao nhiêu rượu và dầu thơm vẫn không thể hạn chế mùi hôi được. Gặp những trường hợp này, các giám định viên chỉ còn biết gồng mình động viên nhau chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ. “Sau mỗi lần khám nghiệm tử thi đã bị phân hủy, áo quần mặc trên người của chúng tôi đặc quánh mùi hôi thối. Lúc về nhà không ai dám kể với người thân vì sợ họ lo lắng cho mình. Đó là chưa kể, các giám định viên luôn bị ám ảnh tinh thần...”, bác sĩ Dũng tâm sự.
Chưa hết, đối với những trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS, tiêm chích ma túy, gái mại dâm... bị tử vong, khi các cơ quan điều tra, tố tụng yêu cầu khám nghiệm tử thi, các bác sĩ pháp y cũng phải lăn xả vào để phẫu thuật tìm nguyên nhân gây ra cái chết đối với họ. Thực hiện những ca khám nghiệm này, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật đối với bác sĩ pháp y là rất cao!
Do công việc đặc thù, khi có vụ việc xảy ra, bất kể ở đâu, lúc nào, các bác sĩ của Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đều gấp gáp lên đường làm nhiệm vụ, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, tố tụng. Gian nan, vất vả là vậy, nhưng các bác sĩ pháp y vẫn chưa được đãi ngộ xứng đáng. Bác sĩ Võ Đình Thạnh, Giám đốc Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng nói: Cũng như một số lực lượng khác, mỗi ngày, cán bộ, nhân viên làm công tác pháp y phải trực 24/24 giờ, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi các cơ quan điều tra, tố tụng yêu cầu. Thế nhưng, tiền trực đêm của cán bộ, nhân viên pháp y chỉ có 35 nghìn đồng/đêm, còn tiền trực đêm của bác sĩ, y sĩ cấp cứu, hồi sức tại các bệnh viện lại được hưởng 65 nghìn đồng/đêm.
Một khó khăn nữa là hiện nay Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng chỉ có 15 cán bộ, nhân viên; trong đó có 4 bác sĩ và 11 y sĩ, y tá, y công... Với số lượng cán bộ, nhân viên như trên, không đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. “Vì ngại nghề pháp y độc hại, nguy hiểm và chế độ đãi ngộ còn hạn chế nhiều mặt, nên suốt 3 năm tuyển dụng vừa qua, không có bác sĩ nào chấp nhận về làm việc”, bác sĩ Võ Đình Thạnh cho hay.
Bài và ảnh: Ngọc Đoan
.
.
Thầm lặng nghề bác sĩ pháp y
Thứ Hai, 19/07/2010, 10:07 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.