.
Thực hiện mục tiêu “Xóa hộ đặc biệt nghèo”

Cho cả cần câu lẫn cá

.

Để thực hiện thành công mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” đến năm 2015 theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng, Quận ủy Liên Chiểu đã có Chỉ thị 19-CT/QU và UBND quận ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về việc thành lập tổ giúp việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 24, đồng thời chỉ đạo cho các phòng chuyên môn  và UBND các phường tiến hành phúc tra, phân loại, tổng hợp hoàn cảnh của từng hộ gia đình nhằm thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, sát với hoàn cảnh thực tại của mỗi gia đình…

CCB Nguyễn Quyền đang làm việc tại xưởng cơ khí của mình.

Trên cơ sở kết quả điều tra, phân loại các đối tượng nghèo, lãnh đạo quận Liên Chiểu đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể của quận và các ngành, các đơn vị được UBND thành phố phân công giúp đỡ các đối tượng này đã tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ để cùng tìm ra các giải pháp phù hợp, giúp đỡ, định hướng để họ có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống.

Sau 9 cuộc tiếp xúc với các hộ đặc biệt nghèo đang sinh sống trên địa bàn, bằng nguồn tiền vận động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nguồn ngân sách của quận đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho 357 hộ có hoàn cảnh đặc biệt nghèo; trong đó có 12 hộ được trợ cấp đột xuất để chữa bệnh hiểm nghèo, 15 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, 28 hộ được hỗ trợ ti-vi, 12 thanh niên được Công ty Thép Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, đưa đi học nghề tại Thái Nguyên và giải quyết việc làm sau khi kết thúc khóa học, 14 hộ được hỗ trợ mua sắm dụng cụ, phương tiện làm ăn, 146 hộ được hỗ trợ vốn buôn bán, tạo việc làm tại chỗ, 13 hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi, 321 học sinh là con em các hộ đặc biệt nghèo được cấp học bổng 600.000 đồng/năm, nếu là sinh viên các trường cao đẳng, đại học thì được trợ cấp 50% học phí của năm học. Điều quan trọng là tất cả 357 hộ đặc biệt nghèo này đều được tiếp cận với bảo hiểm y tế. Với quyết tâm mở lối để cho người dân thoát nghèo, lãnh đạo quận Liên Chiểu đã giao cho 32 cơ quan, đơn vị theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ biện pháp làm kinh tế…

Ông Vũ Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng LĐ-TB và XH quận Liên Chiểu cho biết: Những hộ nằm trong diện đặc biệt khó khăn của quận đều có những hoàn cảnh hết sức bi đát, có gia đình thì ốm đau thường xuyên, có gia đình rất đông con, có hộ không có việc làm, có một số thì nhà cửa hư hỏng, dột nát, xuống cấp trầm trọng, một số hộ bị bệnh hiểm nghèo, số thì con cái họ có nguy cơ bỏ học vì điều kiện kinh tế quá khó khăn…
 

Qua rà soát, trên địa bàn quận Liên Chiểu vào thời điểm bắt đầu triển khai Chỉ thị 24-CT/TU có 357 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tổng số 4.922 hộ nghèo. Những hộ đặc biệt nghèo này được phân làm 3 nhóm gồm: Hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động nhưng khó thoát nghèo là 192 hộ (diện theo đề án thành phố); hộ đặc biệt nghèo không còn khả năng lao động chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên theo Quyết định 19/QĐ-UBND và Quyết định 367/QĐ-UBND của UBND thành phố là 80 hộ; hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động nhưng khó thoát nghèo là 85 hộ (diện quận và các ngành trợ giúp).   

Ví như hộ ông Trần Cam ở tổ 61, phường Hòa Khánh Bắc. Căn nhà của gia đình ông bị bão đánh sập hoàn toàn, mặc dù được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí sửa chữa sau bão, nhưng cũng chỉ đủ xây tạm lại mấy bức tường để lợp tôn che mưa tránh nắng. Rồi tai họa ập đến, ông Cam bị tai biến mạch máu não, vợ ông ngày càng kiệt quệ vì chứng đau lưng. Công việc hiện tại mà vợ chồng ông có thể làm được là chăm sóc con bò do chính quyền địa phương hỗ trợ…

Hay như hộ bà Nguyễn Thị Hồng Điệp ở phường Hòa Khánh Nam, cả hai vợ chồng đều là bộ đội xuất ngũ, khi Hội đồng triển khai thực hiện Chỉ thị 24 tiếp xúc trực tiếp, nghe bà Điệp trình bày gia cảnh của mình đã quyết định hỗ trợ đột xuất 9 triệu đồng để bà có điều kiện chữa bệnh, đồng thời hai con của bà đang theo học đại học cũng được hỗ trợ 50% học phí hằng năm. Nhiều gia đình khác như bà Nguyễn Thị Hoa ở phường Hòa Khánh Nam thì có nguyện vọng được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi; hộ bà Phan Thị Bé và hộ bà Nguyễn Thị Trập cùng ở tổ 6, phường Hòa Khánh Nam đều được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà ở…

Những hộ này, sau khi nhận được sự tiếp sức của chính quyền địa phương, họ đã từng bước vững vàng để ổn định cuộc sống. Ở tổ 76, phường Hòa Minh, nhiều người biết đến vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Quyền và Bùi Thị Kim Yến. Trước đây, hộ anh Quyền, chị Yến được xếp vào diện đặc biệt nghèo của quận. Khi hội đồng phúc tra trực tiếp gặp anh, tặng cho gia đình 20kg gạo và lắng nghe những điều anh muốn nói… Ngay sau đó, anh được hỗ trợ một khoản kinh phí đủ để sắm một chiếc máy hàn, một máy cắt sắt và một máy khoan bê- tông. Từ đó, người cựu chiến binh có tay nghề cơ khí bậc 6/7 đã yên lòng để mở xưởng cơ khí ngay tại nhà mình.

Công việc ngày càng suôn sẻ, vợ anh thôi không còn đi bán dạo nước đá nữa mà ở nhà mở quầy hàng tạp hóa và phụ việc vặt với chồng, các con anh được ăn học tử tế, đặc biệt với xưởng cơ khí của mình, anh Quyền đã tạo công ăn việc làm cho mấy thanh niên ở địa phương vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự… Phát biểu suy nghĩ của mình trước lãnh đạo quận Liên Chiểu và những người đồng cảnh ngộ trước đây, anh Quyền rơi nước mắt nói: “Với sự quan tâm tận tình của chính quyền địa phương, với những đồng vốn mà gia đình anh được trợ cấp trong thời điểm túng bấn đến cùng cực, tất cả như một chiếc chìa khóa vạn năng giúp gia đình anh mở cánh cửa thoát khỏi nghèo đói, anh và gia đình luôn tri ân những tấm lòng thơm thảo của những người lãnh đạo ở quận Liên Chiểu và xem như gia đình mình được sinh ra thêm một lần nữa trong cuộc đời này…”. Với khát vọng thoát nghèo và sự cần cù trong lao động, vừa qua, gia đình anh Quyền rất vui khi được công nhận là hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững…

Hiện tại, quận Liên Chiểu vẫn tiếp tục chỉ đạo việc duy trì “Quỹ hỗ trợ phát triển”, tăng cường vận động nguồn kinh phí từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trong và ngoài địa bàn quận, đặc biệt là những đơn vị đã được Thành ủy phân công hỗ trợ, giúp đỡ quận Liên Chiểu thực hiện chiến lược thoát nghèo như Hội Cựu chiến binh thành phố, Đảng ủy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố, ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực hơn trong nhiệm vụ xóa nghèo ở địa bàn Liên Chiểu.

Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo chính quyền địa phương thông qua cách làm là cho những công dân đặc biệt nghèo của mình cả chiếc cần câu lẫn con cá như hiện nay, chắc chắn mục tiêu xóa nghèo ở Liên Chiểu sẽ thành công ngoài mong đợi.

 Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY

;
.
.
.
.
.