.
Trung tâm Phụng dưỡng người có công Cách mạng

Đạo lý uống nước nhớ nguồn...

.

Với đạo lý  uống nước nhớ nguồn, trân trọng và biết ơn lớp người đã nhiều năm hy sinh cống hiến cho Tổ quốc thì dù khó khăn vất vả đến đâu, chúng tôi cũng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ! Đó là điều mà lãnh đạo Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng thành phố thường xuyên quán triệt, nhắc nhở đối với từng cán bộ, nhân viên ở đây.

Các cụ ở Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng thành phố thường ngồi nhớ lại và kể cho nhau nghe những năm tháng hào hùng.

Trung tâm đang nuôi dưỡng 58 đối tượng chính sách già yếu, neo đơn, hầu hết đã trên 70 tuổi và có nhiều cụ phải phục vụ cơm nước tại chỗ. Cứ 2 cụ được ở 1 phòng, trong phòng có ti-vi, bàn tiếp khách, tủ đựng quần áo và có cả nơi để các cụ đặt bàn thờ thờ cúng người thân. Tất cả các cụ đều được nuôi dưỡng chu đáo, với tình cảm trân trọng, quý mến của toàn thể cán bộ, nhân viên nơi đây.

Các cụ ốm đau nhẹ được chăm sóc tại chỗ, còn khi ốm nặng thì được đưa đến điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Trong thời gian các cụ nằm viện thì hộ lý của trung tâm thay nhau phục vụ cả ngày lẫn đêm, chẳng khác gì những đứa con hiếu thảo đối với cha mẹ già. Có những cụ đau ốm triền miên, tính khí hết sức khó chịu, mặc dù vậy, các hộ lý vẫn một mực ân cần, tận tụy và luôn động viên nhau cố chiều các cụ. Gần 10 năm làm việc ở đây, hộ lý Đặng Thị Hồng lúc nào cũng tươi cười, nhỏ nhẹ, tìm mọi lời ngọt ngào để động viên các cụ cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi. Vừa làm tiếp phẩm, vừa làm cấp dưỡng, chị Nguyễn Thị Quý khéo léo chế biến món ăn đủ chất dinh dưỡng; tuy kinh phí không nhiều, nhưng chị luôn bảo đảm bữa ăn “ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng” và phù hợp khẩu vị của người già. Y sĩ Hoàng Thị Bích Giang hết sức tận tình, chu đáo khi chăm sóc các cụ ốm đau…

Ở trung tâm này, cán bộ, nhân viên và các đối tượng chính sách sinh hoạt chung 1 chi bộ, các đoàn thể quần chúng cũng được tổ chức chung cho cả người phục vụ và người được phục vụ. Từ đó, việc phê bình góp ý được tiến hành thường xuyên, tạo nên sự gắn kết mật thiết giữa cán bộ, nhân viên và những người được phụng dưỡng. Ban đại diện đối tượng chính sách hằng tuần giao ban với Ban giám đốc để cùng bàn bạc thống nhất mọi công việc ở trung tâm.

Vườn hoa thanh niên của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng và Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế Công an Đà Nẵng xây dựng tại Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng thành phố.

Những năm qua, lãnh đạo trung tâm tích cực phối hợp với các cơ quan, trường học để xây dựng cảnh quan trong khuôn viên và giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Từ đó, có những tổ chức Đoàn đã đến đây trồng vườn hoa, vườn cây thuốc nam, lắp đặt ghế đá, tạo ra nhiều cảnh đẹp và nhiều chỗ ngồi hóng mát cho các cụ. Câu lạc bộ Thái Phiên, Trường Kinh tế Kỹ thuật Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng... đã nhiều lần đến tổ chức chương trình văn nghệ hướng về cội nguồn và nhiều hoạt động giao lưu, thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Nguyễn Hữu Khôi, lão thành cách mạng, quê ở Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam  tâm sự: Cụ mới vào trung tâm được 8 tháng, nhưng đã tăng được 3 cân và tinh thần luôn cảm thấy thoải mái. Nơi đây, mọi người rất mực thương yêu, gắn bó nhau và các mối quan hệ hết sức dân chủ. Các ý kiến đề nghị đều được Ban giám đốc trả lời nhanh chóng, thấu đáo và vấn đề tài chính luôn được công khai, minh bạch.

Bài và ảnh: LÊ VĂN

;
.
.
.
.
.