Thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và phục vụ người dân, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ quận Thanh Khê xác định đây là khâu đột phá để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Từ “một cửa” đến “một cửa hiện đại”
Quận Thanh Khê vừa đưa vào sử dụng hệ thống “một cửa hiện đại” tại UBND quận. Trong ảnh: Bấm số xếp hàng tự động. |
Từ ngày 19-6-2010, sau khi tiếp nhận hồ sơ, người dân được cấp một mã số in trên giấy hẹn. Người dân có 3 cách để tra cứu tình trạng hồ sơ: Gửi tin nhắn theo cú pháp
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các công đoạn xử lý hồ sơ hành chính không chỉ giúp rút ngắn thời gian giải quyết mà còn có tác dụng công khai minh bạch, quy rõ trách nhiệm của từng bộ phận xử lý hồ sơ. Hệ thống sẽ cho biết hồ sơ chậm xử lý ở công đoạn nào, trách nhiệm thuộc về bộ phận, cán bộ, công chức nào. Hệ thống được kết nối Internet, nên dù đi công tác ở nơi đâu, lãnh đạo quận cũng có thể truy cập kiểm tra tình hình xử lý hồ sơ hành chính của địa phương.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của 10 phường cũng đã triển khai đồng bộ ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ hành chính giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Các dữ liệu của phần mềm được tổng hợp và thể hiện thông qua website tại địa chỉ http://motcua.danang.gov.vn, nhằm cung cấp thông tin cho người dân về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã và tình hình giải quyết hồ sơ trong các lĩnh vực, gồm: hộ tịch; đất đai; xây dựng nhà ở; chứng thực; lao động, thương binh và xã hội; đăng ký ngành nghề thủy sản và hồ sơ hành chính thông thường (95 thủ tục hành chính tại phường, xã).
Trước khi được chọn làm thí điểm áp dụng mô hình “một cửa hiện đại”, quận Thanh Khê đã thực hiện khá tốt việc giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa” áp dụng chung tại UBND quận, huyện, phường, xã. Thanh Khê cũng là địa phương được chọn thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” tại UBND phường trước khi áp dụng chung cho các phường, xã còn lại. Việc trang bị cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn ngày càng giảm. Đến nay, quận đã cung cấp 2 dịch vụ công trực tuyến: Cấp giấy phép kinh doanh hộ cá thể và xác nhận quy hoạch.
Con người vẫn là yếu tố quyết định
“Dù công nghệ thông tin có hiện đại đến đâu thì con người vẫn mang tính quyết định cao nhất về hiệu quả cải cách hành chính. Do đó, việc giám sát, nhắc nhở, giáo dục cán bộ, công chức luôn luôn giữ thái độ tận tình phục vụ nhân dân được Quận ủy, UBND quận rất coi trọng” - ông Nguyễn Thương, Chủ tịch UBND quận cho hay. Để tăng cường kỷ cương hành chính, quận đã tổ chức cho cán bộ, công chức học tập và thực hiện các văn bản của Trung ương, thành phố về chấn chỉnh kỷ cương hành chính, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền địa phương.
UBND quận đã lắp camera theo dõi thái độ của cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” khi tiếp xúc với nhân dân đến giao dịch hành chính; triển khai đặt hòm thư góp ý tại trụ sở hành chính của quận và 10 phường để lấy ý kiến của tổ chức, công dân đối với cán bộ, công chức. Trên website của quận công khai hai số điện thoại của Chủ tịch UBND quận để người dân biết và cung cấp thông tin khi cần. Thanh Khê cũng là quận duy nhất thực hiện khá tốt việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của tổ chức, công dân theo tinh thần Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Quận đã luân chuyển vị trí kế toán của 10 trường tiểu học, luân chuyển công chức văn phòng-thống kê, địa chính-xây dựng, kế toán từ phường này sang phường khác. Đặc biệt, Chủ tịch UBND quận áp dụng quy định sử dụng 3 thẻ có màu: vàng, xanh, hồng để xử phạt và khen thưởng về chấp hành kỷ cương hành chính. Thẻ vàng là phê bình, thẻ xanh là nhắc nhở, thẻ hồng là khen thưởng. Hội đồng Thi đua-khen thưởng của quận sẽ căn cứ vào thẻ nhận được để xếp loại thi đua cuối năm. Cách làm này khiến cán bộ, công chức không dám bê trễ công việc.
Bài và ảnh: Sơn Trung