Đào tạo và việc làm cho người khuyết tật (NKT) là lĩnh vực ưu tiên thứ 4 của khuôn khổ Hành động thiên niên kỷ Biwako. Trong 7 lĩnh vực ưu tiên, Tổ chức Kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên Hợp Quốc (UNESCAP) khuyến khích 2 lĩnh vực quan trọng nhất để bảo đảm sự bình đẳng và hòa nhập của NKT, đó là giáo dục và việc làm. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Đề án trợ giúp NKT, việc làm vẫn luôn là vấn đề “nổi cộm”... Tại hội thảo “NKT với việc làm và tự doanh”, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với anh Trương Công Nghiêm (ảnh), Chủ tịch Hội NKT thành phố về một số nội dung liên quan.
* P.V: Anh có thể cho biết đôi nét về nhu cầu việc làm của NKT và các nguyên nhân khiến NKT khó tìm việc làm?
- Anh Trương Công Nghiêm: Việt Nam hiện có khoảng 5,4 triệu NKT, trong đó có 60% trong độ tuổi lao động, số còn khả năng lao động chiếm 40%, số đang tham gia lao động chỉ có 30%, khoảng 3% chưa đào tạo nghề; người có việc làm phù hợp và ổn định chỉ chiếm 15%. Hơn 80% NKT sống ở nông thôn, phần lớn họ sống cùng gia đình. Số có việc làm thì đại bộ phận là lao động thủ công như làm tăm tre, may mặc, đan thêu, chổi đót, đan lát, trồng trọt và chăn nuôi...
Hiện cả nước có hơn 400 cơ sở, với khoảng 20.000 lao động NKT đang làm việc với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Riêng trên địa bàn Đà Nẵng, số lượng NKT khoảng hơn 300 người, trong đó số lượng người đang trong độ tuổi lao động khá cao. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có hơn 30% có việc làm và gần 70% chưa có, hoặc có công việc bấp bênh.
Có nhiều nguyên nhân khiến NKT ít có cơ hội tìm được việc làm, trong đó, trước hết là do trình độ văn hóa thấp, không biết chữ, số còn lại thì chủ yếu học đến cấp 1, cấp 2. Trong khi đó, muốn có nghề, có việc làm thì phải có trình độ văn hóa nhất định. Mặt khác, do là NKT nên cơ thể có nhiều khiếm khuyết, đi lại khó khăn, các nhà tuyển dụng cũng rất e ngại với NKT do ít có thông tin và hiểu biết về sử dụng lao động là người khuyết tật. Trong quá trình tiếp cận cơ hội học nghề, tìm việc làm, NKT gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu thông tin về học nghề, việc làm là một trong những trở ngại, nhất là người khiếm thính. Theo một điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2008, hơn 70% NKT không có công ăn việc làm và phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Hầu hết NKT có việc làm là trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc lĩnh vực không chính quy với mức lương thấp (dưới mức lương tối thiểu). Một đánh giá của USAID năm 2005 cũng chỉ ra rằng, trẻ em khuyết tật bị kỳ thị khá nặng nề trong trường học, còn ở nơi làm việc phân biệt đối xử thậm chí còn cao hơn khi nhiều người tuyển dụng “né” thuê nhân công là NKT.
* P.V: Để NKT có được việc làm, hòa nhập với xã hội, chúng ta cần phải làm gì?
- Anh Trương Công Nghiêm: Đối với NKT, việc làm là chuyện vô cùng quan trọng, bởi đây là cơ hội để khẳng định giá trị bản thân, sự độc lập và tự lực, không còn sống trong mặc cảm lệ thuộc nữa. Nói cách khác, nó đem lại cho người ta cả một cuộc sống. Đừng nhìn nhiều quá về góc độ khiếm khuyết vì chính trong hoàn cảnh ấy, NKT làm được việc là chứng tỏ được năng lực vượt trội của họ. Và hãy nhìn vào khả năng của NKT, mà đừng nhìn vào sự khác biệt.
Để vượt lên, hòa mình vào cuộc sống, đòi hỏi nghị lực của những NKT không hề nhỏ. Và thực tế, họ gặp phải khó khăn từ rất nhiều phía: Các chính sách, đãi ngộ đối với NKT chưa làm đến nơi; trường dạy nghề cho NKT còn quá nhiều lý thuyết, không có cơ hội thực hành, làm quen, giới thiệu chính mình với doanh nghiệp; môi trường công việc trong các công ty phần lớn không có những cơ sở vật chất phù hợp thể trạng NKT...
Vì vậy, để NKT thật sự hòa nhập cùng cộng đồng, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, bản thân NKT đã có nhiều cố gắng vươn lên, khẳng định khả năng của mình trên mọi lĩnh vực, thì chúng ta phải khuyến khích NKT tham gia hoạt động chung của NLĐ; phải nâng cao nhận thức về luật pháp của người sử dụng lao động; nên xây dựng sách hướng dẫn để người sử dụng lao động làm quen với những tình huống khi sử dụng lao động là NKT. Đồng thời, cần tăng cường và tạo điều kiện dạy nghề, nâng cao tay nghề cho NKT, tiếp tục thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho NKT theo quy định, định hướng, dạy nghề cho NKT.
* P.V: Anh đánh giá như thế nào về Đề án trợ giúp người tàn tật?
- Anh Trương Công Nghiêm: Sau hơn 12 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật (NTT), đặc biệt là 4 năm thực hiện Đề án trợ giúp NTT, những chính sách như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập, vận động xã hội tham gia giúp đỡ NTT đã phát huy tác dụng, giúp nhiều NTT hòa nhập vào cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, một số chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo cơ hội để NTT hướng đến cuộc sống độc lập còn rất khó khăn, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn những rào cản đối với NTT, nhất là trong lĩnh vực lao động, tạo việc làm cho NTT.
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định, thông tư hướng dẫn các chính sách về việc làm, đào tạo nghề cho NKT, nhưng việc tiếp cận các cơ hội đó còn nhiều rào cản. Qua đây, tôi cũng xin kiến nghị các cấp chính quyền cần tạo điều kiện hơn nữa để NKT chúng tôi được hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho Hội, tổ chức các chương trình nâng cao năng lực cho NKT.
Thành Lân (thực hiện)