Thanh Khê là một quận trung tâm của thành phố với nhiều loại hình thương mại - dịch vụ đa dạng, phong phú và chất lượng cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát triển; đời sống văn hóa đô thị văn minh, hiện đại...
Trung tâm Thương mại VDA Đà Nẵng - Siêu thị Coop Mart trên đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê. Ảnh: QUỐC TÍN |
Nhiệm kỳ qua, tình hình quận Thanh Khê nổi lên nhiều vấn đề bức thiết như: mật độ dân số đông, địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đời sống, việc làm, nhà ở, vệ sinh môi trường, quản lý đô thị… còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những tác động bất lợi của thiên tai, đặc biệt là 2 cơn bão Chanchu và Xangsane đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới kéo dài từ năm 2008 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất-kinh doanh, một số doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động đã tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm của người lao động… Song với quyết tâm, nỗ lực cao, tranh thủ và phát huy tiềm năng, lợi thế, sự đầu tư, giúp đỡ của thành phố và các ngành, kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội là rất lớn, tạo nên những chuyển biến tích cực, sâu sắc trên các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân 12%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cùng với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển, nhiều khu dân cư, tuyến phố mới được hình thành, các loại hình dịch vụ phát triển nhanh, hạ tầng thương mại được đầu tư đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ đạt 20,14%/năm, ước chiếm tỷ trọng 55% trong cơ cấu kinh tế quận vào cuối năm 2010.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhờ mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã nên tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp là 11,57%/năm, tỷ trọng từ 42,3% năm 2006 ước giảm xuống còn 38% trong cơ cấu kinh tế vào cuối năm 2010. Tỷ trọng ngành hải sản trong cơ cấu kinh tế ước đến cuối năm 2010 đạt 7%.
Chính quyền các cấp đã đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư; tích cực hướng dẫn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn; thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Công tác thu, chi ngân sách có nhiều tiến bộ, tổng thu ngân sách tăng 11%/năm, có 7/10 phường tự cân đối thu chi ngân sách.
Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phát triển kinh tế-xã hội tăng khá. Công tác quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ bản và bảo vệ môi trường có tiến bộ. Đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều công trình phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội, đến nay 10/10 phường đã cơ bản hoàn thành bê-tông hóa nền đường, mương thoát nước và điện chiếu sáng ở các kiệt, hẻm.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống mạng lưới trường lớp và cơ sở y tế được đầu tư ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả. Các di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được lồng ghép khá tốt với chương trình “5 không”, “3 có”; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Bộ máy chính quyền từ quận đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả tốt. Mặt trận và các đoàn thể chính trị đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến lợi ích thiết thực của hội, đoàn viên và nhân dân. Công tác quốc phòng-an ninh được tăng cường, củng cố, bổ sung lực lượng; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ, cấp ủy được tập trung kiện toàn và đổi mới phương thức lãnh đạo; chất lượng sinh hoạt, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên được chú trọng.
5 năm đến, với quyết tâm xây dựng quận Thanh Khê vững mạnh toàn diện, quận sẽ tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng “Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp” với tỷ trọng dịch vụ chiếm 60%, công nghiệp 35%, nông nghiệp 5%, phấn đấu trở thành một quận trung tâm thương mại, dịch vụ của thành phố với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú và chất lượng cao. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giải quyết tốt vấn đề trồng và chăm sóc cây xanh, cấp-thoát nước, thu gom xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; xây dựng các thiết chế, hạ tầng cơ sở, phấn đấu xây dựng quận Thanh Khê thành “Quận Môi trường” vào năm 2020. Xây dựng đời sống văn hóa đô thị văn minh, hiện đại, ưu tiên phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, thực hiện có hiệu quả mục tiêu an dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và hiệu lực điều hành, quản lý Nhà nước bảo đảm dân chủ, kỷ cương, kỷ luật; phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và vận động nhân dân trong tình hình mới.
T.T