Trước đây, mỗi khi nhắc đến Sơn Trà là người ta nghĩ ngay đến một vùng đất cách trở đò giang, những xóm chài ven sông, biển nghèo nàn và lạc hậu, những khu nhà chồ nhếch nhác tồn tại nhiều thập niên trong điều kiện môi sinh ô nhiễm.
Được đào tạo nghề và hướng nghiệp, nhiều thanh niên Sơn Trà trở thành công nhân trong các xí nghiệp thủy sản ở địa phương. |
Rất nhiều cụ ông, cụ bà đã nhiều năm sinh sống ở làng cá Nại Hiên phải rơi nước mắt khi trực tiếp được lãnh đạo thành phố và quận trao chìa khóa để mở cửa bước vào những ngôi nhà mới… Thế chỗ cho những xóm chài khó nhọc ven biển ngày trước, bây giờ là khu du lịch sinh thái ven bán đảo Sơn Trà, các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ven biển Mỹ Khê… Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Sơn Trà đã được cải thiện một cách đáng kể khi Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đi vào hoạt động, góp phần đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của Sơn Trà. Hạ tầng thương mại phát triển hợp lý gắn với quy hoạch các khu dân cư.
Theo số liệu thống kê, đến đầu năm 2010, quận Sơn Trà còn 3.300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,31% trên tổng số hộ dân cư. Trong 6 tháng đầu năm 2010, số hộ nghèo phát sinh là 152 hộ, trong khi đó số hộ thoát nghèo là 568 hộ. Để có được những thành quả này, lãnh đạo quận Sơn Trà đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức gặp mặt trực tiếp với các hộ nghèo để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn có hiệu quả để những hộ này học tập vươn lên thoát nghèo.
Những người thực hiện kế hoạch giúp đỡ người dân địa phương mình thoát nghèo đã tìm ra giải pháp thiết thực nhất là hỗ trợ về tín dụng, từ đó các đoàn thể và địa phương đã tín chấp cho 14.899 lượt hộ vay với số tiền gần 8,5 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội quận. Bên cạnh đó, Hội LHPN quận có hình thức góp vốn quay vòng, hỗ trợ cho 1.510 hội viên nghèo vay vốn để làm ăn, buôn bán với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Hội Nông dân đã vận động xây dựng quỹ hỗ trợ cho 92 hội viên vay không lấy lãi với số tiền gần 110 triệu đồng và Hội Chữ thập đỏ từ nguồn vốn của Trung ương Hội đã cho 31 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền 83 triệu đồng…
Xác định việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở luôn là một giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm giúp cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Vì vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, quận Sơn Trà đã huy động từ các nguồn như Ủy ban Mặt trận các cấp, UBND quận, Hội Từ thiện các cấp, Công ty Dầu khí, Công ty Thép miền Trung, Công ty IDICO Long Sơn… hỗ trợ xây mới 10 căn nhà và sửa chữa 6 căn nhà với tổng số tiền gần 350 triệu đồng.
Với cách làm thiết thực này, nhiều hộ gia đình trước đây rất khó khăn, thậm chí phải chạy gạo từng bữa để sinh sống thì đến nay nhờ những đồng vốn vay đầy tình thương và trách nhiệm họ đã thực sự thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững, như hộ chị Lê Thị Miều ở tổ 12H; hộ chị Lê Thị Minh ở tổ 9; hộ chị Nguyễn Thị Thủy ở tổ 2E phường Thọ Quang… Trong số những hộ thoát nghèo có hộ chị Miều là một điển hình. Một tay chị Miều phải làm lụng vất vả với đủ thứ nghề như buôn bán nhỏ, nhặt rác, vá xe đạp… để nuôi 3 con nhỏ, cha mẹ già yếu và người chồng đi phụ hồ thu nhập rất bấp bênh.
Bao nhiêu năm lam lũ, cuộc sống gia đình chị vẫn túng bấn. Kể từ khi được chính quyền địa phương xem xét hoàn cảnh cho vay vốn để xóa nghèo, chị Miều đã mở một quầy tạp hóa nhỏ, lấy ngắn nuôi dài, từng ngày xoay xở để vươn lên trong cuộc sống. Sau 3 năm được vay vốn, đến nay chị đã trả xong vốn vay, sửa chữa được ngôi nhà khang trang hơn… Nhiều hộ gia đình nghèo ở phường Mân Thái cũng đã được các đơn vị trên địa bàn thành phố nhận giúp đỡ theo tinh thần thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Theo đó, Liên đoàn Lao động thành phố đã tặng 30 suất quà trị giá 30 triệu đồng cho các em học sinh gia đình khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học; hỗ trợ 15 triệu đồng cho một gia đình làm nhà ở để ổn định cuộc sống. Công đoàn ngành Xây dựng cũng đã hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo ở Mân Thái 3 triệu đồng để mua sắm ngư lưới cụ, phương tiện đi lại làm ăn, mua bán cá, kinh doanh tạp hóa, tặng 1.000 phần quà là quần áo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường THPT Tôn Thất Tùng… Hàng trăm đối tượng là con em hộ nghèo, con em của những hộ trong diện di dời, giải tỏa, bộ đội xuất ngũ đã được đào tạo nghề và bố trí việc làm ở các doanh nghiệp, các dự án…
Ông Nguyễn Kim Tân, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Sơn Trà cho biết: Thời gian qua, với sự nỗ lực của địa phương, quận đã từng bước gặt hái được những thành quả trong phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nay đã từng bước thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống… Lãnh đạo quận cũng khẳng định, tạo điều kiện để giúp dân nghèo, dân vùng giải tỏa có cuộc sống ổn định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài.
Bài và ảnh: BẢO THY