.

Đồ chơi trẻ em: Vẫn lo chất lượng

.

Đồ chơi là mặt hàng không thể thiếu trong đời sống tinh thần con trẻ. Trước mùa Trung thu đang tới gần, chất lượng mặt hàng đồ chơi trẻ em trở thành đề tài đáng quan tâm của các bậc phụ huynh và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Mô tả ảnh.

Tiêu hủy hàng đồ chơi trẻ em nguy hiểm.

Bày bán chủ yếu trên thị trường hiện nay vẫn là các loại đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Đặc điểm những mặt hàng này thường đa dạng về hình thức, mẫu mã phong phú, giá cả hợp túi tiền với những người thu nhập thấp nên rất được các bậc phụ huynh và trẻ em ưa chuộng. Không khó để nhận thấy, ngoại trừ những loại đồ chơi mang nhãn Made in Vietnam (của các công ty chuyên sản xuất đồ chơi) hay nhập khẩu từ một số quốc gia khác có ghi nhãn phụ tiếng Việt hoặc cảnh báo đối với người sử dụng, thì hầu hết hàng của Trung Quốc bỏ qua quy định dán nhãn này.

Có thể thấy rõ nhất từ bộ ghép hình, robot, xe điều khiển, máy bay, gậy laser, thú nhựa, búp bê đến sản phẩm đồ chơi lớn như xe ngồi dành cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên đều không thấy những thông số cơ bản, chứng tỏ về thành phần cấu tạo, nguồn gốc, chất lượng cho người dùng. Một số mặt hàng đồ chơi chúng tôi khảo sát tại các chợ được nhận biết là hàng Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ kèm theo, điều này cho thấy, sản phẩm đó được nhập khẩu về thị trường nội địa bằng con đường tiểu ngạch, hoặc nhập lậu.

Cũng theo khảo sát từ người mua, đa số các bậc cha mẹ ít quan tâm đến nhãn mác, chất lượng mà chủ yếu bằng tâm lý yêu chiều con trẻ, muốn đáp ứng theo sở thích của con cái, nên dù muốn dù không, đứa trẻ đòi hỏi là chiều ngay. Chị Hồ Thị Bích Nga (chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên đường Nguyễn Chí Thanh) nói: “Biết là hàng Trung Quốc tuy rất mau hư, nhưng mẫu mã đẹp, có nhiều chức năng nên con chị rất thích, giá lại rẻ nên cha mẹ dễ chấp nhận theo ý chúng.

Mà đôi khi công việc bận rộn, lâu lâu mới đưa con đi chơi nên nó đòi gì chị cũng đồng ý, xem như bù đắp lại thời gian gần gũi bên con”. Trên thực tế, việc lựa chọn đồ chơi cho con trẻ như chị Nga không phải là hiếm. Mặc dù đã có những cảnh báo từ cơ quan chức năng và truyền thông, nhưng hầu như sản phẩm đồ chơi trẻ em trên thị trường vẫn bị bỏ ngỏ về quản lý chất lượng. Báo cáo từ Chi cục QLTT thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã tịch thu hơn 4.000 khẩu súng nhựa nguy hiểm các loại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ngày 15-4-2010, quy định áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với đồ chơi trẻ em được ban hành. Theo đó, việc quản lý chất lượng đồ chơi sẽ được siết chặt hơn, người kinh doanh chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em bảo đảm chất lượng, có dấu hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành. Trong đó, Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em quy định rõ ràng về quản lý đối với đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và đồ chơi trẻ em nhập khẩu. Việc đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Quy chuẩn cũng quy định rõ đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường hoặc đồ chơi nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số điểm kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em trên các tuyến đường Phan Châu Trinh, Hùng Vương, hiện nay, nhiều hộ kinh doanh dù có nghe thông tin về quy định bắt buộc nói trên nhưng vẫn lúng túng, không biết phải “xử lý” đống đồ chơi trong nhà như thế nào. Về vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với ông Nguyễn Viết Nguyên, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng thành phố và được ông cho biết: Theo kế hoạch, cuối tháng 8, Chi cục Tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng và Chi cục Quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra và cơ bản là thông báo, hướng dẫn các cơ sở, cửa hàng kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em đăng ký theo quy định của Nhà nước về điều kiện bắt buộc này.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.