.

Đổi mới để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội

.

Trong 2 ngày 30 và 31-8, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), Văn phòng Quốc hội (QH) Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội nghị với chủ đề “Quốc hội khóa XII: Tiếp tục đổi mới để phát triển”. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên và ông John Hendra, Điều phối viên của Liên Hợp Quốc, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. 

Mô tả ảnh.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận về một số chủ đề liên quan đến những thành tựu và thách thức trong việc thực hiện các chức năng của QH. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo tổng quan về các đề án đổi mới hoạt động của QH trong hoạt động lập pháp, giám sát, trong việc xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng cũng như việc thực hiện công tác tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, chuyên gia của Liên minh Nghị viện thế giới cũng đã chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm về hoạt động giám sát cũng như việc đổi mới hoạt động của QH.

Thống kê từ nhiệm kỳ 1 đến nay, QH và Ủy ban Thường vụ QH đã thông qua 4 bản Hiến pháp, 3 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, ban hành 274 Luật, bộ Luật và 133 Pháp lệnh. Đánh giá tại hội nghị cho thấy, không ít luật, pháp lệnh chưa bảo đảm chất lượng, chậm đi vào cuộc sống, tính ổn định thấp, thiếu đồng bộ, thống nhất. Do vậy, trong thời gian đến, QH cần đổi mới quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh; hoàn thiện các quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật.

Hiện nay, QH có thẩm quyền quyết định 3 nhóm vấn đề quan trọng, gồm: các vấn đề về tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước; các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chính sách tôn giáo, dân tộc, vấn đề đại xá. Nhìn chung, quyết định của QH đã cụ thể hóa kịp thời và đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri, việc thực hiện các quyết định ngày càng đầy đủ, đúng thẩm quyền, hiệu quả. Mặc dù vậy, việc xem xét, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước còn chậm, một số vấn đề QH quyết định có tính khả thi chưa cao, còn mang tính thủ tục, hình thức.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH như: kiện toàn tổ chức và nhân sự của QH; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với QH; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cách thức tổ chức và quy trình, thủ tục tại các kỳ họp QH... Để nâng cao vai trò cá nhân đại biểu QH (ĐBQH) trong hoạt động giám sát, các đại biểu đề nghị tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, tăng tỷ lệ ĐBQH tái cử, đồng thời sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật hoạt động giám sát của QH; tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng hoạt động giám sát của ĐBQH. Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu cho rằng cần đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đổi mới công tác tập hợp, tổng hợp và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nâng cao vai trò của ĐBQH và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền về công tác tiếp xúc cử tri...

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hội nghị lần này là dịp tốt để thông tin đến cộng đồng quốc tế những thành tựu và thách thức trong hoạt động của QH Việt Nam cũng như định hướng trong thời gian đến. Những giải pháp đưa ra sẽ góp phần đổi mới hoạt động của QH, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực quyền của QH Việt Nam.

Tin và ảnh: M.Hạnh

;
.
.
.
.
.