.
Hội thảo về Lộ trình hội nhập ngành Logistics trong ASEAN

Liên kết vật chất, thể chế và cộng đồng phát triển dịch vụ logistics trong ASEAN

.

(ĐNĐT) - Ngày 22-8, tại Đà Nẵng, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, Hiệp hội các nhà chuyển phát nhanh châu Á - Thái Bình Dương và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo về Lộ trình hội nhập ngành logistics trong ASEAN với sự tham gia của đại biểu 10 nước thành viên.

Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo tập trung đánh giá những bước tiến đã đạt được trong chặng đường xây dựng Lộ trình hội nhập ngành logistics. Trên thực tế, dịch vụ logistics đang phát triển mạnh mẽ và được chuyên môn hóa với mức độ khá cao. Đây là những hoạt động kinh doanh trải dài trong các khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm, đóng gói, tiếp thị, giám sát lưu thông…

Một trong những biện pháp cơ bản trong lộ trình ưu tiên hội nhập ngành logistics khu vực ASEAN là tự do hóa thương mại, bao gồm việc gỡ bỏ hầu hết các rào cản thuế và phi thuế. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai lộ trình này, Khu vực thương mại tự do ASEAN đã hoàn thành với 99,1% số dòng thuế của 6 nước ASEAN cũ đạt 0% và 97% số dòng thuế đạt từ 0-5% đối với các nước Lào, Mianma và Campuchia. Theo kế hoạch, đến năm 2015, hầu hết các dòng thuế trong nội bộ ASEAN sẽ đạt 0%.

Thực hiện lộ trình cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư, phần lớn các nước ASEAN đã cho phép các doanh nghiệp ASEAN tự do đầu tư trong các phân ngành dịch vụ vận tải hàng hóa. Riêng lĩnh vực vận tải biển, ASEAN đã thông qua “Lộ trình xây dựng vận tải biển thống nhất và mang tính cạnh tranh của ASEAN”, xây dựng một môi trường vận tải thông thoáng, khuyến khích đầu tư giữa các thành viên ASEAN trong lĩnh vực này. Để nâng cao năng lực quản lý lĩnh vực logistics, ASEAN đang thực thi Kế hoạch chiến lược phát triển hải quan và cơ chế một cửa ASEAN nhằm hài hòa các quy tắc quản lý thương mại và thủ tục hải quan giữa các nước trong khu vực (theo kế hoạch, Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng Cơ chế hải quan một cửa vào năm 2012).
 
ASEAN cũng đang rà soát, hệ thống hóa việc phát triển quy hoạch cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường pháp lý, hài hòa các tiêu chuẩn trong lĩnh vực vận tải. Đồng thời, ưu tiên triển khai Dự án Mạng đường bộ ASEAN và Dự án đường sắt Singapore - Côn Minh nhằm nối dài cánh tay liên kết giữa ASEAN và xa hơn nữa là các đối tác trong khu vực. 

Liên kết vật chất, thể chế và cộng đồng phát triển logistics trong ASEAN

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những thách thức lớn mà ASEAN đối mặt để thực hiện lộ trình nói trên; trong đó, lưu ý đến sự khác biệt về tiêu chuẩn, công nghệ, năng lực chuyên môn và sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước ASEAN. Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Logistics là loại hình dịch vụ tổng hợp và ứng dụng công nghệ cao, việc quản lý dịch vụ này đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành như giao thông - vận tải, thương mại, hải quan, công nghệ - thông tin. Việc thực hiện Lộ trình ưu tiên hội nhập lĩnh vực logistics ở tầm khu vực đòi hỏi quyết tâm của các bên để phối hợp chặt chẽ về chính sách, đồng bộ hóa về tiêu chuẩn kỹ thuật, khuôn khổ pháp lý cũng như quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giữa các nước.

Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trong khu vực, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia (Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đà Nẵng)

Được biết, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chiếm 15-20% GDP với trên 800 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Đa số doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, tổ chức kinh doanh còn thể hiện sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp, nguồn nhân lực hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Với vai trò điều phối Lộ trình hội nhập ngành logistics của ASEAN, Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trong khu vực, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Tăng cường hội nhập ngành logistics trong khu vực là mắt xích quan trọng để kết nối các công đoạn sản xuất và vận chuyển giữa các nước ASEAN. Việc tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở tất cả các nước ASEAN. Do vậy, các đại biểu tham dự hội thảo rất quan tâm đến những giải pháp phát triển dịch vụ logistics, trong đó, chú trọng giải pháp liên kết về nguồn lực vật chất, về thể chế và liên kết cộng đồng nhằm tạo động lực để ổn định và duy trì sự năng động trong phát triển kinh tế của khu vực.

Riêng việc liên kết vật chất được tập trung ở lĩnh vực vận tải, công nghệ thông tin, năng lượng. Liên kết cộng đồng thì chú trọng vấn đề giáo dục, văn hóa và du lịch. Những ý kiến và giải pháp đưa ra tại hội thảo sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có những điều chỉnh thích hợp, đáp ứng tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu biến ASEAN trở thành một trung tâm logistics trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tin và ảnh: M.Hạnh


;
.
.
.
.
.