.

Lặng lẽ… nghề tuần đường

.

Ngày tháng cứ nối tiếp trôi qua, bất kể những đêm mưa rét lạnh hay những ngày hè nắng cháy, những người làm nghề tuần đường vẫn lặng lẽ rảo bước dọc theo tuyến đường sắt, kiểm tra từng con bu-lông, từng đoạn ray, thanh tà-vẹt, phát hiện và kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ, nhanh chóng cấp báo những hư hỏng lớn trên hệ thống đường sắt, nhằm bảo đảm an toàn cho những đoàn tàu ra Bắc, vào Nam…

Công việc thường ngày của người tuần đường.

Khi biết tôi có ý định viết về những người tuần đường, anh Hoàng Văn Thuyên - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng tỏ vẻ rất vui và bảo rằng, rất cần có những bài viết chân tình về những người công nhân đã từ nhiều năm qua đang từng ngày tận tụy với công việc nhọc nhằn mà họ đã yêu thích và lựa chọn. Anh Thuyên cho biết: Ngành đường sắt có rất nhiều công việc khác nhau, nhưng có lẽ những công việc lặng lẽ và cô độc nhất là tuần đường, tuần hầm, tuần cầu và gác chắn.

Hiện tại, để bảo đảm an toàn trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn, hằng ngày có 84 người tuần đường, 27 người tuần hầm, 39 người tuần cầu và 203 người gác chắn phải thay phiên nhau làm việc 24/24 giờ. Những người này được bố trí công tác đều trên 15 cung đường (thường là 5 người trên một cung đường - NV) do Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng đảm trách từ Lăng Cô (thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế) đến Trị Bình (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi) dài 146km, gồm các cung đường: Hải Vân 1, Hải Vân 2, Hải Vân 3, Kim Liên, Thanh Khê, Lệ Trạch, Nông Sơn, Trà Kiệu, Phước Chỉ, Phú Cang, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, An Tân và Trị Bình. Những người được bố trí vào công việc tuần đường bắt buộc phải có chứng chỉ tuần đường do trường đào tạo chuyên ngành cấp hoặc phải có trình độ thợ bậc 4 trở lên (trước đây).

Anh Trần Bá Hậu – Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng cho hay: Mỗi cung đường thường có chiều dài chừng 20km và trên chiều dài 146km do công ty quản lý thì bao giờ trên đường cũng phải thường xuyên có người đi kiểm tra kỹ lưỡng, theo dõi, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại trên đoạn đường tuần tra; sửa chữa, giải quyết các hư hỏng, chướng ngại nhỏ; kịp thời phòng vệ, nhanh chóng giữ tàu khi có hư hỏng, chướng ngại uy hiếp đến an toàn chạy tàu, bảo vệ đường sắt và các đoàn tàu chạy qua đoạn đường tuần tra.
 
Những người tuần đường khi lên ban có rất nhiều công việc, vì vậy dụng cụ bắt buộc họ phải mang theo lúc làm nhiệm vụ cũng rất phong phú gồm: Một cờ vàng, hai cờ đỏ có cán (ban ngày), một đèn có hai mặt trắng và đỏ (ban đêm), một kèn hoặc còi, pháo 6 quả (đối với đường đơn) hoặc 9 quả (đối với đường lồng 4 ray); cờ-lê vặn đinh mối, cuốc chèn nhỏ kiêm búa đóng đinh (một đầu chèn, một đầu búa), dao phát cây (khi cần thiết); sổ tuần đường; bảng giờ tàu; một số đinh crăm-pông hoặc đinh tia-phông (tùy loại đường), một số bu lông mối, rong-đen, một ít nêm gỗ, dầu nhờn. Tại các cung đường, mỗi tổ tuần đường phải có biểu phân công tuần đường, biểu hành trình tuần đường, biểu theo dõi các điểm xung yếu, các vị trí có vấn đề cần lưu ý.

Có thể nói, tuần đường vất vả nhất trong đoạn đường 146km do Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng quản lý là những cung đường ở Hải Vân. Và những nhân viên tuần đường như anh Đào Văn Khôi, Bùi Văn Chung, Đoàn Văn Hải, Nguyễn Văn Vương, Ngô Văn Dương, Nguyễn Văn Quốc ở cung Hải Vân 2; Trần Thanh Hà, Lê Văn Cầu, Nguyễn Quý, Nguyễn Công Hà, Phạm Xuân Tiến, Lê Văn Hợp ở cung Hải Vân 3 là vất vả nhất. Hằng ngày, các anh phải thay phiên nhau để tuần tra trên cung đường được giao. Những đêm mưa gió bão bùng hay những ngày hè nắng lửa, các anh đều phải 3 lần lên ban. Nhà thơ Chu Thăng trong tác phẩm “Đồng đội tôi trên đèo Hải Vân” của mình có đoạn viết “…
 
Đêm tuần đường gió chực xô xuống biển…” hết sức cảm động khi nói về những người tuần đường. Là dân đường sắt, không ai không cảm thấy lạnh người khi đi qua đoạn đường ở Km761+200 có tên gọi là cống Võng Thuyền. Ở đó, những lúc thời tiết khắc nghiệt, người tuần đường không thể đi mà phải bò qua mới mong giữ được an toàn cho tính mạng của mình và chu tất công việc. Mỗi ngày, trung bình có 10 lượt tàu khách qua lại, những ngày lễ, Tết lượng tàu tăng lên gấp hai, gấp ba lần ngày thường, đó là chưa kể các đoàn tàu chở hàng hóa, vật tư xây lắp, khoáng sản…

Đi tuần trong hầm, nếu gặp những đoàn tàu được kéo bằng đầu máy của Đức sản xuất thì còn đỡ khổ, nếu gặp những đoàn tàu chạy bằng đầu máy của Tiệp Khắc (cũ), Bỉ thì độ ô nhiễm càng kinh khủng hơn. Bên cạnh đó, người tuần đường không thể tránh khỏi ô nhiễm bụi sắt do sự ma sát giữa đường sắt và bánh tàu tạo nên… Cây gậy tre trên tay có thể nói là vật bất ly thân của người tuần đường trên mọi bước đi cũng không thể giúp các anh trụ vững trong những ngày gió chướng. Cứ thế, mỗi ki-lô-mét đường sắt có 1.440 thanh tà-vẹt bằng các chất liệu gỗ, sắt, bê-tông (mỗi thanh cách nhau 720mm), với tốc độ 3km/giờ, có người trong suốt cuộc đời tuần đường đã đi một quãng đường dài bằng mấy vòng trái đất.

Anh Vũ Duy Liêm ở Cung Hải Vân 1 là người tuần đường được đồng sự hết sức yêu mến và kính trọng, được cơ quan, ngành trao tặng nhiều giấy khen vì thành tích trong công tác, kể rằng: Làm nghề này phải là người có trách nhiệm cao, tất nhiên sau mỗi ca tuần đường đều ký sổ giao ban với cung đường của bạn, đều đổi thẻ đường để xác tín lộ trình và thêm nữa biểu đồ tuần đường thể hiện rất rõ theo từng mốc thời gian người tuần đường đang ở vị trí nào trên cung đường tuần tra của mình.
 
Biểu đồ này còn là một tài liệu mật để kiểm tra một cách chính xác nhất vận tốc di chuyển của người tuần đường… Có nhiều nhân viên tuần đường, trong lúc tuần tra phát hiện sự cố đường sắt, họ đã nhanh chóng xử lý để những chuyến tàu qua được tuyệt đối an toàn. Mới đây, trong lúc tuần tra, anh Trương Như Tuấn ở Cung đường Đà Nẵng đã phát hiện kịp thời sự cố gãy ray ở đường sắt số 1 ga Thanh Khê và cấp báo cho đội xử lý an toàn đường sắt đến khắc phục.

Tuần đường là một nghề quá vất vả, nhiều hiểm nguy, nhưng thu nhập vẫn còn quá thấp. Nhiều anh em tuần đường bị mắc bệnh nghề nghiệp, kể cả lúc đang làm việc và lúc đã nghỉ hưu hay nghỉ mất sức theo chế độ. Gia cảnh của họ phần lớn là còn rất khó khăn, thiếu thốn… Ấy vậy mà, khi tiếp xúc với các anh, tôi cũng cảm nhận được từ họ một sự lạc quan, đầy trách nhiệm. Họ bảo rằng, đã mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng trách lẫn trời gần trời xa... Nói thế chứ ai cũng tìm được niềm vui trong công việc của mình. Nhiều người cùng suy nghĩ rằng, mỗi ngày những chuyến tàu vào Nam, ra Bắc được bình an là họ vui mừng khôn xiết. 
       
Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY  

;
.
.
.
.
.