Sau 35 năm giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng những hậu quả do chiến tranh của đế quốc Mỹ để lại vẫn còn nặng nề đối với người dân Việt Nam. Trong đó, chất độc da cam/dioxin là thứ có sức tàn phá, hủy hoại cuộc sống con người dai dẳng nhất.
Do bị ảnh hưởng loại chất độc này, nhiều trẻ em sinh ra có hình hài dị dạng, câm điếc… phải sống cảnh đời thực vật, vô tri vô giác. Những năm gần đây, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng luôn sát cánh giúp đỡ về vật chất, tinh thần, nhằm bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang phải gánh chịu.
Tấm lòng từ các doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng tặng quà cho các nạn nhân ở phường Hòa Cường Nam. |
Những món quà tuy không lớn, nhưng đã thể hiện sự sẻ chia, giúp đỡ của tập thể cán bộ, nhân viên công ty, làm những nạn nhân chất độc da cam cảm thấy ấm lòng và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ông Lê Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, nhãn hiệu Biti’s Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Nhờ cộng đồng, xã hội quan tâm nên những năm qua, thương hiệu Biti’s đã có được chỗ đứng trên thị trường. Chính vì vậy, công ty luôn trân trọng những gì mình có được, biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là những nạn nhân chất độc da cam. Và đây cũng là mục tiêu “Văn hóa ứng xử của doanh nghiệp” mà Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên đề ra”.
Với Ngân hàng Indovina Chi nhánh Đà Nẵng lại là một sự quan tâm các nạn nhân chất độc da cam theo cách khác. Công tác từ thiện, quan tâm đến cộng đồng đã được đơn vị thực hiện trong nhiều năm nay như: cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt, và đặc biệt là chăm lo, chia sẻ với các nạn nhân da cam… Vừa qua, Ngân hàng Indovina Chi nhánh Đà Nẵng đã đóng góp 50 triệu đồng ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, đồng thời kêu gọi nhiều nhà hảo tâm tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia, đóng góp. “Làm việc thiện nhưng phải có “tâm sáng”, mình giúp đỡ người khác không nhất thiết người ta phải giúp lại mình, làm vậy tự mình sẽ cảm thấy vui vì đã làm được điều tốt cho xã hội”, ông Huỳnh Văn Quy, Giám đốc Ngân hàng Indovina tại Đà Nẵng tâm sự.
Cũng trong thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố đã tích cực ủng hộ tiền, vật chất như Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 ủng hộ 200 triệu đồng; Quỹ UNICEF tại Việt Nam 1,2 tỷ đồng giúp xây dựng cơ sở 3 tại huyện Hòa Vang; Tổ chức Chữ Thập Xanh-Thụy Sĩ 89 triệu đồng… nhằm giúp nạn nhân chất độc da cam có thêm điều kiện sinh hoạt, phục hồi chức năng, học tập…
Mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ
Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng được thành lập từ tháng 1-2005. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng trên 5.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, Hội mới chỉ quan tâm được khoảng 1.400 em. Thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, các em đã có môi trường để sinh hoạt, học nghề… nhờ đó mà sức khỏe đã có những bước tiến triển tốt, nhận thức được nâng cao.
Điều đáng lưu ý là sau 5 năm hoạt động, đến nay, Hội đã vận động được 25 tỷ đồng để hỗ trợ, chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam; trong đó, các nhà hảo tâm, tổ chức doanh nghiệp trong nước đã đóng góp 10 tỷ đồng. Cùng với đó, trong quá trình hoạt động, nhiều nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã luôn sát cánh để chung tay xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam, những mảnh đời bất hạnh. Và từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 90 tập thể và trên 80 cá nhân tham gia đóng góp kịp thời ủng hộ nạn nhân chất độc da cam thành phố.
Ông Trà Thanh Lành - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, Hội có 2 cơ sở nhận nuôi khoảng 100 em, trợ dưỡng thường xuyên cho trên 300 em, quan tâm hơn 1.400 em trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Hội đang tiến hành xây dựng cơ sở 3 tại huyện Hòa Vang và nhận nuôi thêm từ 100 đến 150 em. Nhìn chung, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn, nhưng Hội vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy, trong thời gian đến, Hội mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương