.

Nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường nước

.

“Thành phố đẹp nhưng hơi… hôi” - Đó là lời nhận xét của khá nhiều khách du lịch khi đến với Đà Nẵng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt (ao, hồ, sông, suối…) và nước ngầm trên địa bàn thành phố đang ở mức đáng báo động…

Chảy đi… sông ơi !

Sông Phú Lộc ngày càng bị ô nhiễm nặng bởi rác và nước thải sinh hoạt của nhiều hộ dân đổ xuống. (Ảnh nhỏ)

Điểm mặt một số dòng sông chảy qua thành phố, người ta không khỏi giật mình bởi tình trạng ô nhiễm đang xảy ra và ngày càng nặng hơn. Chẳng hạn như sông Phú Lộc-con sông duy nhất chảy qua địa bàn quận Thanh Khê-cũng là nơi... tiếp nhận toàn bộ nước thải của quận Thanh Khê và một phần nước rỉ rác từ bãi rác Khánh Sơn đổ về, tổng lượng khoảng 20.000m3/ngày đêm. Cửa sông đổ ra vịnh Đà Nẵng cũng chính là nơi xả nước sau xử lý của Trạm xử lý nước thải Phú Lộc.

Bên cạnh đó, tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và rác của một số hộ dân sống dọc bờ sông vứt xuống đã khiến nhiều năm qua, sông Phú Lộc bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ có sông Phú Lộc, theo khảo sát của Sở Tài nguyên-Môi trường, nước sông Hàn đã có biểu hiện ô nhiễm coliform trên toàn lưu vực, có những thời điểm mật độ coliform vượt tiêu chuẩn và mức độ vượt trung bình hằng năm 1-13 lần.

Khu vực hạ lưu sông Cu Đê cũng đang trong tình trạng bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do phải hứng nước thải chưa được xử lý (khoảng 10.000m3/ngày đêm) từ các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, cụm công nghiệp Thanh Vinh. Kết quả quan trắc cho thấy, nước sông Cu Đê bị ô nhiễm dầu mỡ vượt tiêu chuẩn 3-10 lần, chất dinh dưỡng (NO -2, NH+4, NO-3) vượt 1-18 lần, coliform vượt 1-24 lần, kim loại nặng vượt 1-10 lần. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng, mặc dù chất lượng nước biển ven bờ nhìn chung còn tốt nhưng một số vị trí gần các cống nước thải sinh hoạt tại khu vực vịnh Đà Nẵng bị ô nhiễm coliform tương đối cao.

Qua kết quả quan trắc hằng năm cho thấy, nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng như các bãi tắm Thanh Bình, Xuân Thiều, cảng cá Thuận Phước. Nước tại các hồ lớn như Bàu Tràm, Thạc Gián-Vĩnh Trung, Đầm Rong, Công viên 29-3… cũng bị ô nhiễm NH4, NO3, dầu mỡ, coliform… Âu thuyền Thọ Quang là lưu vực giao thoa giữa đoạn cuối sông Hàn và vịnh Đà Nẵng bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn từ Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng xả trực tiếp vào đây.

Không chỉ nước mặt mà nguồn nước ngầm ở nhiều khu vực như: Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ… đều bị ô nhiễm cục bộ. Hầu hết nước ngầm trên địa bàn thành phố đều bị ô nhiễm vi sinh ở mức độ rất cao. Qua kết quả lấy mẫu phân tích chất lượng nước của Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê tại 4 phường An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây với các chỉ tiêu: pH, độ cứng, Asen, Cadmi, Xianua, Nitrat, Mn, Coliform, sắt… cho thấy nguồn nước ngầm mạch nông có dấu hiệu bị ô nhiễm, chỉ tiêu Nitrat và chỉ tiêu vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Rác thải trôi dọc bờ hồ Công viên 29-3 gây ô nhiễm.

Trước thực trạng trên, thành phố đã có nhiều động thái tích cực để cải thiện tình hình. Năm 2009, được sự hỗ trợ của tổ chức VEI-Hà Lan, quận Thanh Khê đã thực hiện dự án cấp nước sạch, thoát nước và cải thiện vệ sinh môi trường cho hơn 2.000 hộ dân có thu nhập thấp ở 2 phường An Khê và Hòa Khê nhằm tránh việc sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Hiện thành phố cũng đang triển khai dự án cải tạo môi trường sông Phú Lộc với các hạng mục: Nạo vét, xây dựng bờ kè, hệ thống thu gom nước thải và đường quản lý hai bên bờ sông.
 
Còn tại hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung, từ năm 2006, UBND quận Thanh Khê đã tiến hành xử lý ô nhiễm tại hồ bằng phương pháp sinh học là dùng bèo lục bình kết hợp duy trì vệ sinh thường xuyên (vớt bèo, tảo chết, chất thải rắn rơi vãi trên mặt hồ). Nhờ vậy đến nay, chất lượng môi trường nước hồ này được cải thiện rõ rệt, cảnh quan ven hồ sạch đẹp. Quận Thanh Khê cũng đã xây dựng đề án “Thanh Khê-Quận môi trường” giai đoạn 2010-2020 với các nội dung: Bảo đảm vệ sinh môi trường trong các khu dân cư; thoát nước và xử lý nước thải đô thị; quản lý xử lý ô nhiễm môi trường tại các hồ trên địa bàn quận; kiểm soát ô nhiễm môi trường; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh nhằm đưa địa phương này trở thành quận thân thiện với môi trường vào năm 2020; góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường tại các khu dân cư, cơ sở công nghiệp, vùng ven biển.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và giảm đầu tư ngân sách Nhà nước, UBND quận Thanh Khê đã giao 3 hồ: Xuân Hòa A (phường Hòa Khê), hồ 2ha (phường Thanh Khê Tây) và hồ Bàu Làng (phường Thanh Khê Đông) cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ, xử lý ô nhiễm tại các hồ này… Thiết nghĩ, đây cũng là cách làm hay mà các địa phương có thể tham khảo.      
               
Bài và ảnh: Mai Phương

;
.
.
.
.
.