.

Ổn định cuộc sống nông dân bằng nghề và việc

.

Lao động nông thôn dư thừa nói cho hung chứ Hòa Vang thì chỉ tập trung ở Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Liên, 3 xã nằm trong diện di dời, giải tỏa. Chuyện chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho số lao động này hiện được các xã đặc biệt quan tâm - ông Phan Công Đây, Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Vang khẳng định.

Nhà máy gạch tuy-nen Thanh Bình giải quyết hàng trăm lao động của xã Hòa Phước.

Tính đến 30-6-2010, số liệu ông Đây cung cấp, số lao động dư thừa ở 3 xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Liên theo thứ tự là 920 người, 840 người, 620 người. Đây là những con số “biết nói” để lãnh đạo các ban, ngành ở Hòa Vang và các địa phương liên quan dành công sức trong vấn đề an dân.

Địa bàn hai xã Hòa Châu và Hòa Phước đều nằm dọc theo quốc lộ 1A, liên cư liên địa nên có những thuận lợi nhất định trong việc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau khi các dự án di dời, giải tỏa triển khai. Thuận lợi rõ nét nhất là sau khi đường Nam cầu Cẩm Lệ và quốc lộ 1A (xã Hòa Châu có thêm đường ĐT 605) hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp, đã hình thành hai bên đường những khu thương mại, người dân chuyển từ nông nghiệp sang buôn bán, trong đó có những người nhận tiền đền bù giải tỏa, tạo việc làm cho lao động.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hai xã cũng giải quyết được một lượng lao động đáng kể tại địa phương. Ví như xã Hòa Phước, theo ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, 2 lò gạch tuy-nen, một xưởng cơ khí, một xưởng may vừa mới mở đã thu hút gần 500 công nhân, chưa kể trên 100 lao động khác vào học may ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Hai xã phối hợp với một số hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi, nấu ăn, làm nấm rơm các loại... Ông Phùng Kiệm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, cả xã mất khoảng 200ha đất nông nghiệp, tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động dư thừa không dễ. Ngoài số lao động có việc làm thông qua UBND xã và các doanh nghiệp, hiện có một số lượng lớn lao động ở các hộ thuộc diện giải tỏa đang làm việc cho... chính họ: Phá dỡ nhà cũ, xây dựng nhà mới. Việc này thu hút rất nhiều lao động, nguồn địa phương không đáp ứng nổi, kéo một lực lượng lao động đáng kể từ Quảng Nam ra. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tạm thời, khi nhà cửa đã làm xong thì cũng... hết việc!

Cả hai xã cùng có diện tích đất bị thu hồi, nhưng ông Trần Viên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước cho rằng, xã của ông chỉ lo việc làm chứ không lo chỗ ở, bởi trong 120ha đất thu hồi ở Hòa Phước thì phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ một số ít đất ở. Mỗi năm Hòa Phước giải quyết việc làm từ 100-120 lao động, nhờ có nhiều thuận lợi như trên địa bàn có 2 chợ, là trung tâm vận tải, bốc xếp các loại hàng hóa, vật tư ra nội thành Đà Nẵng. Lao động độ tuổi từ 25-40 thì làm công nhân, lao động tuổi từ 40 trở lên mất đất ruộng thì làm các nghề không cần kỹ thuật như trồng cây cảnh, đóng gạch, buôn bán, phụ nề...

Việc làm cho lao động độ tuổi từ 40 trở lên hiện cũng “vướng” đối với xã Hòa Liên, nơi có hơn 500ha đất nông nghiệp đang trong quá trình giải tỏa. Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ địa bàn xã giáp ranh với Khu công nghiệp Hòa Khánh nên lao động trẻ dễ dàng tìm được việc làm. Còn người lớn tuổi thì không còn con đường nào khác, ngoài... trồng hoa, cây cảnh, làm nấm.

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề Hòa Vang mở nhiều lớp dạy nghề, hướng nghiệp, có chế độ hỗ trợ đối với nông dân mất đất sản xuất, nhưng có điều, ở Hòa Liên mà xuống đến gần cầu vượt Hòa Cầm để học nghề thì quá xa. Một trong những nghề thích hợp với nông thôn là trồng nấm rơm, hiện nay Hòa Nhơn là một trong những địa phương làm nấm rơm hiệu quả, được các lao động trong diện di dời giải tỏa các nơi đến tham quan, học hỏi.

Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Lao động-TB&XH huyện cho biết, huyện đang triển khai thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” nhằm tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Hy vọng đề án sẽ giúp sớm giải bài toán “chuyển nghề và tìm việc”, tạo việc làm thực sự ổn định cho lao động và đem lại an sinh cho người dân sau lũy tre làng.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.