Giảm được hộ nghèo; giảm tỷ lệ thất nghiệp, không có việc làm và giảm tệ nạn xã hội, là kết quả thực hiện quyết liệt, đầy nỗ lực của cả hệ thống chính trị quận Thanh Khê từ năm 2005 đến nay, và vẫn tiếp tục thực hiện, phấn đấu tạo việc làm hằng năm cho khoảng 1.200-1.500 lao động, đến cuối năm 2011 cơ bản không còn hộ đặc biệt nghèo, không còn hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố vào cuối năm 2015 và từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Trao tặng phương tiện sinh kế, học tập, xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ đặc biệt nghèo. |
Qua khảo sát, thống kê (đầu năm 2005), trên toàn quận có 8.445 lao động chưa có việc làm ổn định và thất nghiệp, trong đó 3.185 người có nhu cầu tìm việc làm, 700 người có nhu cầu đào tạo nghề và 2.103 người có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Những năm qua, nhờ thực hiện thường xuyên công tác thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các phiên chợ việc làm của thành phố đến các phường; chú trọng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; phối hợp hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi ngành nghề, vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm… hằng năm đã giới thiệu và tạo việc làm bình quân 6.220 lượt lao động.
Năm 2009, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận gặp khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, đã sa thải nhiều công nhân, tuy nhiên đến nay nhiều doanh nghiệp cũng thu nhận lại số lao động thất nghiệp. Đầu năm 2010, quận không chỉ tập trung vận động số học sinh bỏ học (thực hiện Chỉ thị số 24 của Thành ủy), còn vận động con em hộ nghèo và đối tượng sau cai học nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Trong 6 tháng đầu năm 2010, đã tạo việc làm cho 4.318 lao động, trong đó có 1.285 lao động tại chỗ, 1.425 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 305 lao động tại các hợp tác xã, 815 lao động tại các khu công nghiệp...
Chương trình mục tiêu giảm nghèo được thường xuyên xúc tiến bằng những việc làm thiết thực, thông qua các giải pháp về vốn, giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện, hướng dẫn cách làm ăn, tạo địa điểm buôn bán ổn định đã thực hiện giảm nghèo hiệu quả. Việc hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo, phụ nữ đơn thân nghèo có sự giúp đỡ chí tình của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng thành phố, Tổng Công ty Miền Trung và nhiều doanh nghiệp, nhà từ thiện trên địa bàn quận. Từ năm 2005 đến cuối năm 2008, quận đã đưa ra khỏi chương trình 3.730/3.781 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 12,67% (tháng 1-2005) xuống còn 0,17% (tháng 12-2008). Trong năm 2009, thực hiện giảm nghèo theo chuẩn mới đã đưa 1.579 hộ thoát nghèo, có nhiều hộ thoát nghèo bền vững, đạt mức sống trung bình ở khu dân cư. Trong 6 tháng đầu năm 2010, tiếp tục các giải pháp giúp đỡ thoát nghèo thêm 774/1.200 hộ, trong đó có 175 hộ đặc biệt nghèo thông qua đối thoại, giúp đỡ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra mục tiêu phấn đấu xóa hết nhà tạm hộ nghèo vào cuối năm 2007. Đến cuối năm 2009, qua phong trào vận động Quỹ vì người nghèo của quận, đã hỗ trợ làm mới 302 nhà, sửa chữa 226 nhà với tổng trị giá 5,425 tỷ đồng, trong đó đã xóa xong 123 nhà tạm hộ nghèo hợp lệ vào năm 2007 và đã làm mới 10 nhà hộ nghèo bị sập sau bão Xangsane, đồng thời mở rộng diện xóa nhà tạm hộ cận nghèo, sửa chữa nhà cấp 4 xuống cấp hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống, chống tái nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2010, xây mới thêm 14 nhà, sửa chữa 57 nhà và tiếp tục phân công các đơn vị, địa phương tiếp tục xóa nhà tạm và nhà cấp 4 xuống cấp cho hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo.
Giảm được tỷ lệ hộ nghèo và thất nghiệp, không có việc làm kết hợp với việc triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống, đã giảm đáng kể tệ nạn xã hội. Các phong trào “Tổ dân phố không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, Hội đoàn thể “phấn đấu hội viên không có con em vi phạm pháp luật, bỏ học, nghiện ma túy”, trường học “không có ma túy và tệ nạn xã hội”... đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố. Các đối tượng sau cai nghiện được quan tâm, gần gũi, tạo việc làm, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để hòa nhập cộng đồng. Tình hình mại dâm có xu hướng giảm. Hoạt động phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, góp phần tích cực vào chương trình phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng.
HOÀNG QUYÊN