.

Tai nạn trên đường có dải phân cách

.

Một nghịch lý đáng báo động là các con đường lớn có dải phân cách trên địa bàn thành phố lại là nơi thường xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) và thường rất nghiêm trọng, thiệt hại về người lẫn phương tiện.

Cây xanh trên dải phân cách quá cao sẽ hạn chế tầm quan sát của người tham gia giao thông.

Về lý thuyết, đường có dải phân cách bảo đảm giao thông thuận lợi và an toàn hơn, vì người tham gia giao thông được phân chia ra hai làn riêng biệt. Tuy nhiên, nơi đây lại rất dễ xảy ra tai nạn. Thống kê của Phòng CSGT – Công an thành phố trong năm 2009 cho biết, chỉ riêng quốc lộ 1A đoạn chạy qua địa bàn Đà Nẵng (bao gồm đường Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh và đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm đến Trạm thu phí Hòa Phước) đã xảy ra 32 vụ TNGT.

Trong đó, riêng đường Tôn Đức Thắng xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 7 người và bị thương 3 người; đường Trường Chinh xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 5 người. Điều đáng nói là cả hai trục đường này khá ngắn: đường Tôn Đức Thắng chỉ dài 3,8km, đường Trường Chinh dài 5,5km.

Thống kê 7 tháng đầu năm 2010 của Ban ATGT thành phố, tình hình không những không được cải thiện mà đáng báo động hơn về TNGT trên những tuyến đường có dải phân cách. Cụ thể, đường Điện Biên Phủ đã xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 9 người; đường Nguyễn Hữu Thọ xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 4 người; đường Nguyễn Tất Thành xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 5 người; đường Tôn Đức Thắng xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 4 người; đường Lê Văn Hiến dù mới đưa vào khai thác nhưng cũng xảy ra đến 3 vụ TNGT, làm chết 1 người và bị thương 5 người; quốc lộ 14B xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 4 người và bị thương 3 người. Ngoài ra, những đường có dải phân cách khác như Phan Đình Giót, Ngô Quyền, Hoàng Sa, Nguyễn Văn Linh… cũng đều có xảy ra TNGT và có người chết, bị thương.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả không mong muốn này, khi những đường có dải phân cách hiện nay có thể nói là những đường lớn, đẹp với hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Theo Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố đánh giá, điều cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ kém của người tham gia giao thông. Qua công tác thống kê của CSGT, có đến 90% nguyên nhân dẫn đến TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông với những lỗi rất cơ bản như chạy quá tốc độ, không quan sát, điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn. Đặc biệt, khi tham gia giao thông trên những đường lớn, có dải phân cách, mật độ lưu thông các phương tiện thấp, người điều khiển thường có tư tưởng chủ quan nên phóng nhanh vượt ẩu, dẫn đến TNGT.

Theo chúng tôi, ngoài những lý do mang tính chủ quan trên, vấn đề hạ tầng giao thông trên những trục đường có dải phân cách cũng cần có sự  chỉnh sửa để bảo đảm an toàn giao thông. Đầu tiên là việc trồng cây xanh trên dải phân cách trên các đường hiện nay đều vượt tầm cao quy định là trên 0,8 mét. Mặc dù trên một số tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Ngô Quyền cơ quan chủ quản đã nhiều lần cắt hạ độ cao cây xanh, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, cây xanh lại lên cao che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
 
Đặc biệt đáng báo động là hiện nay rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông đi qua đường không đi đúng vị trí quy định, mà lại hay “tranh thủ” lối đi của người đi bộ để qua đường. Chính điều này khiến những người tham gia giao thông bị giật mình khi bất ngờ có người, phương tiện cắt ngang trước mặt. Vì vậy, cần phải nâng độ cao phần lối đi qua đường dành cho người đi bộ, để tránh việc người điều khiển mô-tô, xe máy chạy xe lên.  Bên cạnh đó, ở những vị trí đường nhỏ giao nhau với đường phân cách cần tăng cường thêm bảng chỉ dẫn, nếu có điều kiện thì gắn đèn điều tiết, hoặc đèn vàng nhấp nháy để cảnh báo người tham gia lưu thông chú ý quan sát.
  
Bài và ảnh:  Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.