Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo thống kê tài sản nhà nước tính đến cuối tháng 6 tại các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp và các cơ quan địa phương.
Theo đó, tính đến ngày 24-6-2010, tổng giá trị tài sản nhà nước đã đăng ký tại các đơn vị trên là 1.186.797 tỷ đồng, trong đó có đến 82% tài sản là đất xây khuôn viên trụ sở, 15% là nhà, 2% là ôtô và 1% là tài sản khác có giá trị trên 500 triệu đồng.
Trụ sở của Bộ Tài chính trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội |
Tổng khuôn viên, trụ sở mà các cơ quan Trung ương và địa phương đang nắm giữ hiện nay trên 81.000 khuôn viên trụ sở, với tổng diện tích trên 2,2 tỷ m2, tổng giá trị hơn 985.000 tỷ đồng.
Trong đó, các cơ quan địa phương sở hữu tới 72.205 khuôn viên, có tổng diện tích khoảng 2.100.782.113 m2, giá trị khoảng 789.513 tỷ đồng.
Nếu tính cả một số tài sản khác như ôtô, tài sản trên đất... thì các cơ quan địa phương hiện nắm giữ đến 80% tài sản nhà nước, trong khi các cơ quan Trung ương chỉ giữ 20%.
Về tài sản là nhà, hiện các cơ quan Trung ương đang nắm giữ 21.731 căn nhà, có diện tích khoảng 20.151.335 m2 với giá trị ban đầu khoảng 25.762 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị còn lại chỉ khoảng 1.321 tỷ đồng.
Trong khi đó, các địa phương đang nắm giữ khoảng 164.597 căn nhà, diện tích hơn 75 triệu m2, với giá trị ban đầu khoảng 136.790 tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng 91.344 tỷ đồng.
Một số cơ quan, bộ đang sử dụng và quản lý số lượng lớn khuôn viên như Bộ Tài chính có đến 4.416 trụ sở, Bộ Tư pháp có 700 trụ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 517 trụ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 81 trụ sở, Bộ Ngoại giao có 15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 13 trụ sở...
Ngoài ra, một số tỉnh nhỏ như Gia Lai cũng có trên 1.100 trụ sở, Yên Bái có tới 371 trụ sở, Tây Ninh có 781...
Trong cuộc trao đổi với VnEconomy mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Phạm Đình Cường cho biết, việc sử dụng nhà, đất công của các cơ quan, tổ chức được Chính phủ nhìn nhận là có tình trạng lãng phí.
Tình trạng lãng phí trong sử dụng nhà, đất công dù chưa đến mức báo động ở tầm cỡ quốc gia nhưng thực tế hiện nay đã ở mức nghiêm trọng. Theo ông Cường, nổi lên trong việc lãng phí, sai phạm nhà đất công hiện nay là tình trạng cho thuê lại đất của nhà nước, với giá cao hơn nhiều lần cho phép.
“Không chỉ có tình trạng lãng phí đất công, mà ở một số đô thị tình trạng lãng phí đất đai cũng xảy ra, cụ thể là nhiều đô thị xây dựng nên các khu biệt thự liền kề nhưng mấy năm cũng không có người ở”, ông Cường nói.
Cả nước có 25.662 ôtô công, trị giá 12.739 tỷ đồng
Cũng Cục Quản lý công sản, tính đến ngày 24-6-2010, số lượng ôtô công trên cả nước đã đạt con số 25.662 chiếc, trị giá 12.739 tỷ đồng. Sau khi khấu hao, giá trị còn lại của số xe này là 3.739 tỷ đồng.
Số ôtô công hiện nay vẫn là rất lớn khi so với quy mô của nền kinh tế đất nước (Ảnh minh họa) |
Trong đó, số ôtô công thuộc các cơ quan Nhà nước là 13.093 chiếc, trị giá 8.281 tỷ đồng, sau khi khấu hao còn 1.920 tỷ đồng; số ôtô công do các đơn vị sự nghiệp quản lý là 9.034 chiếc, trị giá 3.709 tỷ đồng, sau khi khấu hao còn 1.249 tỷ đồng; số ôtô công thuộc các tổ chức khác là 1.321 chiếc, trị giá 614 tỷ đồng, sau khi khấu hao còn 170 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của Cục Quản lý công sản, số ôtô công thuộc các cơ quan Trung ương là 7.777 chiếc, trị giá 3.928 tỷ đồng, sau khi khấu hao còn 1.321 tỷ đồng, chiếm 20% tổng số ôtô công trên cả nước. Nếu tính theo địa phương thì Tp.HCM và Hà Nội có lượng ôtô công lớn nhất, lần lượt là 1.000 chiếc và 800 chiếc.
Theo đánh giá, số ôtô công hiện nay vẫn là rất lớn khi so với quy mô của nền kinh tế đất nước.
Mặc dù hoạt động mua sắm ôtô công đã bắt đầu bị hạn chế theo yêu cầu của Chính phủ từ 2005 và từ tháng 7-2006 đến tháng 7-2009, Chính phủ tiếp tục yêu cầu tạm dừng, song tình trạng mua sắm ôtô công vẫn bị coi là “phình” to ra.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một quan chức của Bộ Tài chính cho biết, điểm đáng lưu ý là tình trạng mua sắm và sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn tại nhiều cơ quan trung ương và địa phương là không ít.
Theo các quy định hiện hành về mua sắm và sử dụng xe công, tiêu chuẩn mua ôtô công dành cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là không quá 700 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, tại nhiều cấp tỉnh, thành phố, thậm chí là cấp huyện vẫn xảy ra tình trạng mua xe công có trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành trung ương và tương đương; bí thư, phó bí thư huyện ủy, quận ủy và tương đương; chủ tịch HĐND, UBND huyện và tương đương; lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ viện thuộc bộ và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp… chỉ có tiêu chuẩn được bố trí ôtô khi đi công tác song tình trạng sử dụng xe công để đưa đón từ nhà đến cơ quan và ngược lại, thậm chí sử dụng vào các hoạt động cá nhân và gia đình vẫn không hiếm.
Theo VnEconomy