.

Tăng cường hợp tác, hướng đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015

.

* Ra mắt ấn phẩm về luật và chính sách cạnh tranh trong khu vực ASEAN

Ngày 24-8, tại Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 42 đã khởi động với việc tiến hành các Hội nghị quan trọng để nghe báo cáo kết quả Hội thảo về Lộ trình hội nhập ngành logistics trong khu vực ASEAN và việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và Khu vực đầu tư ASEAN (AIA). Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng điều hành hội nghị.

 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Khu vực AFTA lần thứ 24

Việt Nam đã đưa vấn đề phát triển lĩnh vực logistics lên bàn nghị sự và đề nghị các nước thành viên ASEAN cùng bàn thảo các giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của dịch vụ này cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp logistics hoạt động. Sau khi nghe báo cáo của các doanh nghiệp về kết quả Hội thảo Lộ trình hội nhập ngành logistics trong khu vực ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã khuyến cáo: trong thời gian tới, Chính phủ mỗi nước cần tiếp tục dành sự quan tâm cho việc phát triển lĩnh vực logistics.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Hiện nay, lĩnh vực logistics là 1 trong 12 trọng tâm mà ASEAN cần phải cải thiện nhằm tăng cường kết nối trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà mức độ kết quả đạt được trong việc cải thiện dịch vụ logistics giữa các nước ASEAN còn hạn chế. Vì vậy, dịp này, Việt Nam đưa ra sáng kiến là ASEAN phải bàn về hoạt động logistics cũng như tổ chức hội thảo chuyên đề về lĩnh vực này. Để thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển, các Chính phủ cần khai thác và tận dụng lợi thế của mình, trong đó, có lợi thế về cảng biển, về kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, vận tải hàng không”.

Về việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ tự do thương mại ASEAN (AFTA), hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về Khu vực Thương mại tự do AFTA lần thứ 24 cho biết, đến nay, 99,6% các dòng thuế trong ASEAN đã thực hiện theo cam kết. “Đây là kết quả đáng khích lệ nếu tính đến mục đích của ASEAN là từng bước xây dựng một không gian kinh tế chung và tiến tới hoàn thành xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Khi đó, hàng hóa từ các nước thành viên giao thương lẫn nhau sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi nhất, cụ thể là bằng 0% và không hạn chế về địa điểm, số lượng, xem như là không gian thuế thống nhất trong khu vực ASEAN”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đều quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông thương mại hàng hóa trong khu vực.

Trong đó, chú trọng những biện pháp liên quan đến cơ chế hải quan, cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đến việc tạo thuận lợi trong vận chuyển, logistics; các biện pháp về hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự thống nhất và bàn bạc, trao đổi giữa các bộ, ngành của các nước thành viên ASEAN; những chính sách tạo thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp trong khu vực phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa…
 
Riêng đối với Việt Nam, hội nhập thương mại trong khu vực ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam là thành phần đi đầu trong hội nhập kinh tế, góp phần cùng các lĩnh vực khác tạo thành sức mạnh tổng hợp để Việt Nam hoàn thành cam kết của mình trong cộng đồng ASEAN. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải cố gắng nhiều để hội nhập kinh tế.

Trước hết, phải biết tận dụng những ưu đãi, lợi thế do khu vực mậu dịch tự do AFTA mang lại để có thể tăng cường hơn nữa đầu tư và xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN, đứng vững ở thị trường Việt Nam và vươn ra bên ngoài. Tôi nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam phải có lộ trình, kế hoạch và chiến lược cụ thể để trong thời gian ngắn, bắt nhịp với nhu cầu của cuộc sống và yêu cầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong ASEAN với tốc độ cao hơn”.

* Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bà Elvira Nabiullina, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga đồng chủ trì Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) - Liên bang Nga lần thứ nhất. Tại hội nghị này, các Bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về những tác động của suy thoái kinh tế đến thương mại khu vực và toàn cầu, trong đó, rõ nét nhất là việc tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Liên bang Nga năm 2009 giảm so với năm 2008. Mặc dù vậy, các Bộ trưởng cũng nhận định, kim ngạch thương mại giữa hai bên năm 2009 vẫn cao hơn so với trước khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trong hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và Nga. Các Bộ trưởng đã nhất trí: Tham vấn Quan chức Kinh tế cao cấp ASEAN - Liên bang Nga sẽ trở thành cơ quan điều phối chính các chương trình và hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai bên. Đồng thời, giao các Quan chức Kinh tế cao cấp nghiên cứu các đề xuất, trong đó, có đề xuất thành lập một nhóm chuyên gia chung, có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp để xây dựng một lộ trình hợp tác kinh tế toàn diện và trình các khuyến nghị lên phiên Tham vấn AEM - Nga năm 2011. Dự kiến, tháng 10-2010 sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên bang Nga lần thứ 2 và các Nhà lãnh đạo sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên bang Nga.

* Sáng ngày 24-8, tại Đà Nẵng, hai ấn phẩm mới xây dựng là: Hướng dẫn chính sách cạnh tranh khu vực ASEAN và Sổ tay về luật và chính sách cạnh tranh cho các doanh nghiệp ASEAN đã ra mắt các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 42. Hai ấn phẩm này do các cán bộ cao cấp của Nhóm chuyên gia về luật và chính sách cạnh tranh ASEAN (AEGC) xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Văn phòng đối ngoại của Cộng hòa Liên bang Đức. Về nội dung, ấn phẩm Hướng dẫn chính sách cạnh tranh khu vực ASEAN giới thiệu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thực tiễn quốc tế về việc xây dựng chính sách cạnh tranh.

Ấn phẩm Sổ tay về luật và chính sách cạnh tranh cho các doanh nghiệp ASEAN cung cấp thông tin về cách tiếp cận cũng như các quy định cơ bản về luật và chính sách cạnh tranh tại các nước thành viên ASEAN. Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng khẳng định: Hai ấn phẩm đều hướng tới việc xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh tại khu vực và góp phần nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng về việc xây dựng văn hóa cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy các nước thành viên ban hành và thực thi luật, chính sách cạnh tranh.

Theo ông Surin Pitsuwan, Tổng Thư ký ASEAN, hai ấn phẩm nói trên tạo nền tảng cho việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và các đối tác trong thời gian đến. Thông qua hai ấn phẩm này, doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN có thể hiểu thêm về môi trường cạnh tranh cũng như học hỏi những kinh nghiệm, những bài học hay trong việc xây dựng một chiến lược cạnh tranh lành mạnh, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định về cạnh tranh của từng nước ASEAN.

Cho đến nay, chỉ có Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore đã có luật và chính sách cạnh tranh ở phạm vi nền kinh tế khu vực, trong khi đó, Malaysia chỉ mới thông qua luật cạnh tranh quốc gia với hiệu lực thực thi là năm 2012. Các nước còn lại dựa vào chính sách, quy định riêng của mình và đang cố gắng đưa ra chính sách cạnh tranh vào năm 2015. Được biết, hiện nay, tổng kim ngạch giao dịch thương mại của ASEAN đã đạt hơn 1.536 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng ASEAN vẫn chứng tỏ là một khu vực cạnh tranh với tỷ lệ vốn FDI toàn cầu của ASEAN tăng từ 2,8% năm 2008 lên 6% năm 2009 (tương đương 1,1 tỷ USD).

Trong tháng 10 và 11 năm 2010, các nước ASEAN sẽ tổ chức diễn đàn giới thiệu và phổ biến hai ấn phẩm trên đến đại diện các cơ quan chính phủ, giới nghiên cứu và doanh nghiệp.

Tin và ảnh: M.Hạnh

;
.
.
.
.
.