.

Thương lắm màu áo xanh tình nguyện

.

Đi dân nhớ, ở dân thương là tình cảm mà người dân thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang dành cho những thanh niên tình nguyện của quận Thanh Khê trong đợt giúp dân làm đường giao thông vừa qua.

Đi là để trải nghiệm…

Đồng tâm hiệp lực nên công việc nhanh chóng được hoàn thành.

Tiếng máy trộn bê-tông, tiếng xúc đất hòa lẫn tiếng cười nói khiến một góc thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang giống như một công trường thực sự. Đó là không khí của gần 400 đoàn viên thanh niên quận Thanh Khê giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Vừa đẩy chiếc xe rùa chở xi-măng nặng “lặc lè” tiếp tế cho các bạn để trộn bê-tông, Đỗ Hùng Thành (21 tuổi, ở phường Vĩnh Trung) hồ hởi: “Mệt, nhưng vui lắm! Em chưa biết làm, thấy mọi người làm thì học theo. Nếu có đợt ra quân tình nguyện nữa em cũng sẽ tham gia”.
 
Hiện Thành đang theo học trường đào tạo nghề lái xe STC. Đây là lần thứ 3 Thành tham gia phong trào này. Trò chuyện với một cậu bạn có vẻ khá thạo việc Hồ Công Tuấn (phường Chính Gián), Tuấn cho biết: “Em cũng vừa mới học thôi. Những năm trước em có tham gia nạo vét kênh mương ở Hòa Bắc, Hòa Phú, nhưng làm đường bê-tông thì đây là lần đầu tiên. Mỗi chuyến đi cho em thêm trải nghiệm về cuộc sống. Em muốn góp phần công sức để giúp người dân miền núi bớt nỗi khó khăn”.

Đến giữa trưa, một đoạn đường bê-tông đã hoàn thành, lưng áo đẫm mồ hôi nhưng ai cũng vui. Tại nhà dân ở gần đó, đội ngũ hậu cần đang tất bật chuẩn bị cơm trưa. Đầu bếp Võ Thị Tú Hạnh (21 tuổi, phường Vĩnh Trung) chia sẻ: “Thấy mọi người làm mệt, bọn em muốn nấu những món thật ngon để các anh ăn có sức làm tiếp. Cũng là dịp để nâng cao tay nghề nấu ăn mà”. Trời mát dịu như ủng hộ các “chiến sĩ” của đội quân tình nguyện. Mặt mũi lấm lem bùn, đất nhưng ai cũng hăng hái với quyết tâm làm cho xong 400m đường bê-tông của thôn An Sơn.

Chỉ huy “công trường” là Quyền Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê Hồ Văn Dũng. Dũng bộc bạch: “Hôm qua do ảnh hưởng của bão, trời mưa to quá, bọn em cứ lo ngay ngáy là không hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi họp, ai cũng nhất trí nếu hôm nay trời mưa sẽ ở lại thêm một ngày để làm cho xong. Đã lên đây thì chắc chắn phải hoàn thành. May quá, trời “thương” nên hôm nay không mưa, rất thuận lợi để đổ bê-tông”. Dũng cũng cho biết, mặc dù kinh phí đi lại, ăn ở cho hàng trăm đoàn viên thanh niên còn cao hơn thuê nhân công làm đường, nhưng các bạn vẫn muốn tự tay làm. Khi được phát động, các đoàn viên ủng hộ ngay, sẵn sàng đăng ký, thậm chí góp thêm tiền để bữa ăn được tươm tất hơn.

Bên cạnh các hoạt động như: Tiếp sức mùa thi, an toàn giao thông… thì công tác dân vận (làm đường cho dân, giao lưu văn nghệ…) là phong trào lớn của Quận Đoàn Thanh Khê trong chiến dịch tình nguyện hè hằng năm. Tham gia chiến dịch này, các đoàn viên sẽ được sống trong môi trường tập thể, thắt chặt tình đoàn kết giữa các địa phương. Đây là cơ hội tốt để thanh niên các phường chung sức thực hiện các vấn đề khó. Tham gia lao động, nhiều thanh niên không có kinh nghiệm, không chuyên môn nhưng vẫn làm và làm được, từ đó các bạn thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người lao động, biết quý trọng lao động.

Đi dân nhớ, ở dân thương

Tình cảm của người dân địa phương dành cho các thanh niên tình nguyện.

Thôn An Sơn thuộc xã miền núi Hòa Ninh của huyện Hòa Vang có 138 hộ với 503 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng trồng rừng và chăn nuôi. Cả thôn có 26 hộ nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Ở đây, người dân trồng lúa chủ yếu dựa vào nước trời, gặp hạn hán thì coi như mất trắng. Trong thôn còn khá nhiều kiệt, hẻm mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ xi-măng nhưng người dân vẫn chưa góp đủ tiền để làm đường. Trưởng thôn Nguyễn Văn Phi cho biết: “Con đường này, mùa nắng thì còn đi được chứ mùa mưa thì bùn lầy, người dân đi lại rất vất vả. Thấy các em lên giúp, chúng tôi vui lắm. Đây là lần thứ 2 thôn An Sơn được thanh niên hỗ trợ làm đường. Hôm qua, chúng tôi lo lắm, chỉ sợ trời mưa thì tội các em quá”.

Ngay tối hôm trước, thôn đã bố trí 10 nhà dân để đón thanh niên tình nguyện đến ngủ. Chuối, bí đao, bí đỏ… được bà con nhiệt tình mang đến để ủng hộ đội quân tình nguyện. Vừa trao nải chuối cho Bí thư Dũng, chị Trần Thị Tưởng bộc bạch: “Các em lên đây mà mình chẳng có gì đãi các em, chỉ có nải chuối xanh của vườn nhà vừa kịp chín, đem đến để các em ăn cho vui”. Để hoàn thành con đường, trên 11 tấn xi-măng do huyện hỗ trợ đã được chở đến, chi phí còn lại khoảng 8 triệu đồng do nhân dân hưởng lợi từ con đường đóng góp.

8 giờ tối, một góc Trường tiểu học Hòa Ninh rực sáng ánh đèn cùng tiếng hát, điệu múa. Sau một ngày mệt nhọc với công việc làm đường, đoàn viên thanh niên quận Thanh Khê lại tham gia giao lưu văn nghệ với thanh niên trong thôn. Quận Đoàn Thanh Khê cũng đã trao tặng 11 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Đêm cuối, bên cạnh những lời ca điệu múa là những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay ôm thắm thiết mà người dân ở đây dành cho những thanh niên tình nguyện. Rời An Sơn, những chàng trai, cô gái lại trở về bên phố thị phồn hoa, nhưng có lẽ những kỷ niệm về con người, vùng đất này thì sẽ còn mãi. Bởi ở đó, họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, của tuổi trẻ bằng những việc làm có ích.

Bài và ảnh: Mai Phương

;
.
.
.
.
.