Hỏi người trong nghề cũng không ai biết loại hình vận tải này tồn tại chính xác đã ba, bốn chục năm, hay lâu hơn. Nhưng khi nghĩ về tương lai thì ai cũng thấp thỏm, trầm ngâm, liệu mình còn mưu sinh với nghề này được bao lâu nữa? Đó là tâm sự của những người chạy xe lam trên tuyến Kim Liên - Siêu thị Bài Thơ, tuyến xe lam cuối cùng của thành phố.
“Nói là xe lam nhưng đó là những chiếc xe buýt loại nhỏ (12 chỗ ngồi) được thay thế cho loại xe lam ba bánh trước đây”, ông Giao Thắng Đề, Chủ nhiệm HTX Vận tải và dịch vụ Cẩm Lệ, một trong 3 đơn vị tồn tại loại hình vận tải này giới thiệu khi mở đầu câu chuyện. Theo ông Đề, hiện nay số xe lam chạy trên tuyến Kim Liên – Siêu thị Bài Thơ còn trên dưới 30 chiếc thuộc sự quản lý của 3 đơn vị, đó là HTX Vận tải và dịch vụ Cẩm Lệ, HTX Vận tải số 1 và HTX Vận tải Liên Chiểu. Tuy nhiên, số lượng xe này cũng “rơi rụng” dần theo năm tháng bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Đìu hiu “chợ chiều”
Chở quá tải, quá khổ vì... tiếc. |
Trên bãi đất trống trước Siêu thị Bài Thơ từ lúc sáng sớm, nơi được gọi là “bến” của xe lam, chúng tôi đã thấy lác đác xuất hiện một hai chiếc xe chờ khách, nhưng cũng phải lâu lắm mới có một vài người bước lên. Chừng 15-20 phút, những chiếc xe lam dù không có khách cũng phải nặng nề chuyển bánh để nhường “bến” cho xe tiếp theo. Cứ liên tục như vậy, từng chiếc đến và đi, trống hoắc, hoặc chỉ mang theo một vài khách hay túi hàng. “Là động cơ chạy bằng xăng A92, mỗi chuyến như vậy cũng hết gần 2 lít xăng, nên nhiều lúc nếu có khách và hàng thì anh em cứ cố nhét thêm để bù lỗ cho những chuyến sau. Biết là vi phạm và bị phản ánh nhiều nhưng vì mưu sinh nên phải… làm liều”, anh Dũng phân trần thêm về tình trạng giành giật khách cùng xe buýt hay chở quá tải của xe lam.
Mặc dù vắng khách nhưng xe lam lại là “cứu cánh” của một bộ phận lớn những tiểu thương sinh sống tại khu vực Kim Liên khi đổ về các đầu mối tại trung tâm thành phố để lấy hàng. Theo lý giải của nhiều người, đi xe lam giá rẻ, chở người và hàng đến được tận nhà và… không bị say xe! Hình ảnh những người phụ nữ khắc khổ tất bật bước lên xe với một vài túi hàng nhỏ không còn quá xa lạ với đội ngũ xe lam này.
Mai này còn có xe lam?
Với giá mua mới từ 100-130 triệu đồng/chiếc, nhiều gia đình đã phải chạy vạy ngược xuôi, thế chấp nhiều tài sản có giá trị để tham gia “canh bạc” kinh doanh này. Gọi là canh bạc bởi thời gian đăng ký vận tải có thời hạn (15 năm được phép vận tải khách cho 1 chiếc xe hoàn toàn mới) nên ai cũng tranh thủ chạy đua với thời gian. Cũng có người vì điều kiện không cho phép nên mua lại xe cũ với giá từ 50-70 triệu đồng để hành nghề, tất nhiên với những chiếc xe này thì “thời gian sống” cũng bị rút lại đáng kể.
“Tôi mua chiếc đời 95 (sản xuất 1995-PV) từ năm 2008 với giá 65 triệu, năm nay nữa là hết thời hạn chạy, nhưng vẫn chưa lấy lại vốn”, chủ xe Ngô Văn Sơn cho biết. 52 tuổi đời với 36 năm ròng gắn với nghiệp phụ xe, rồi đến chủ xe, ông Sơn cho biết cái thời “hoàng kim” nhất của loại hình vận tải này đã qua.
“Mỗi năm cứ có một vài chiếc xuống tải, nhưng có những chiếc vẫn còn thời hạn sử dụng gần chục năm. Nếu chính quyền có chủ trương giảm tải hay xóa bỏ loại hình vận tải này, tôi nghĩ là người dân sẽ chấp hành. Nhưng song song với đó sẽ là những định hướng hay hỗ trợ nghề nghiệp để họ có thể ổn định được cuộc sống”, ông Giao Thắng Đề, Chủ nhiệm HTX Vận tải và dịch vụ Cẩm Lệ nhận định. Trước sự phát triển ngày một mạnh mẽ của thành phố, loại hình vận tải xe lam này đang dần “lép vế” để nhường chỗ cho các loại phương tiện hiện đại, văn minh hơn. Số phận của những chủ xe lam vẫn đang chạy đua với thời gian để kiếm sống trên những chuyến xe cuối cùng, trước khi chuyển sang một hướng đi mới.
Bài và ảnh: Phan Chung