.

Bài học từ công tác “Dân vận khéo”

.

Qua 2 năm thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được quần chúng đồng tình, hưởng ứng; phát huy được quyền làm chủ, tiềm năng, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Mô tả ảnh.

Nhờ công tác dân vận khéo, hàng trăm hộ dân đã thực hiện giải tỏa để thi công đường Nguyễn Văn Linh nối dài. Ảnh: VĂN HOA

Nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về công tác dân vận được nâng lên; tinh thần trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, tham mưu của hệ thống dân vận, của đội ngũ cán bộ dân vận có chuyển biến. Nhiều điển hình, mô hình, cá nhân “Dân vận khéo” xuất hiện gắn với cải cách hành chính và lề lối làm việc của cán bộ, công chức; với việc vận động thực hiện chủ trương đền bù, giải tỏa, tái định cư; với công tác vận động thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình… Những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” rất phong phú, đa dạng và có nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác xây dựng mô hình “Dân vận khéo” nói riêng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở; kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân.

Phong trào “Dân vận khéo” đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương, tạo ra hướng phát triển tích cực ở cơ sở. Qua phong trào, đội ngũ cán bộ có trách nhiệm hơn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; phong cách làm việc có chuyển biến theo hướng sâu sát cơ sở, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chỉ ban hành văn bản triển khai mà chưa tổ chức phát động phong trào, thiếu nội dung cụ thể hoặc lúng túng trong việc đề ra nội dung của phong trào; chưa gắn phong trào với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Một số nơi coi tổ chức phong trào là việc của hệ thống ban dân vận cấp ủy, của Mặt trận và các đoàn thể. Chất lượng hoạt động và hiệu quả của một số mô hình, điển hình đã được bình chọn ở địa phương, đơn vị chưa thực sự có sức lan tỏa Công tác tham mưu của Ban Dân vận với cấp ủy có nơi chưa tốt. Công tác kiểm tra chưa chú trọng; việc phát hiện, tổng kết, nhân rộng cách làm hay, những kinh nghiệm “Dân vận khéo” chú ý chưa đúng mức.

Với những kết quả đã đạt được qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” 2 năm 2009-2010, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Những nơi có phong trào thi đua “Dân vận khéo” phát triển đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp ủy Đảng. Cấp ủy Đảng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc phong trào; đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác triển khai thực hiện, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Ban dân vận, Mặt trận và các đoàn thể các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo; đồng thời phải có hướng dẫn, xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể để thực hiện. Mỗi cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai phải tích cực, linh hoạt, sáng tạo và gắn với tình hình ở cơ sở và nhiệm vụ mỗi địa phương, đơn vị.

Đường lối, chủ trương phải đúng; giải pháp phải cụ thể; cách thức thực hiện phải phù hợp; đội ngũ cán bộ phải hết lòng vì dân là tiền đề quan trọng bảo đảm sự thành công của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phong trào thi đua và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phải nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc từ địa phương, đơn vị ở cơ sở; phải hướng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đơn vị; phải tạo được sự đồng thuận và đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân góp phần vào việc xây dựng và phát triển thành phố.

Xây dựng mô hình làm công tác “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong hệ thống chính trị. Từ đó xây dựng được nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động một cách phong phú, đa dạng. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tập thể phụ trách đối với từng địa bàn, từng đối tượng. Đưa việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” thành một chỉ tiêu xét thi đua và lồng ghép với phong trào thi đua yêu nước ở các cấp hằng năm.

Cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đều phải làm công tác dân vận, phải có trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu, tích cực, năng động, sáng tạo, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh“Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Phải thật thà nhúng tay vào việc”; thực hiện tốt phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

VÕ NGỌC

;
.
.
.
.
.