.

Bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền

.

Ngày 14-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tố tụng hành chính và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chủ trì buổi góp ý.

Mô tả ảnh.

Tại buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo luật.

Các ý kiến góp ý đồng tình nên ban hành Luật Tố tụng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử, giải quyết án hành chính. Việc quy định thẩm quyền của Tòa án (TA) giải quyết các khiếu kiện hành chính theo phương án loại trừ là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010. Đó là mở rộng thẩm quyền xét xử của TA đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính tại TA; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước TA. Quy định này cũng phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo. 

Các ý kiến đề nghị cần có hướng dẫn cả văn bản không thể hiện là quyết định hành chính vào đối tượng khiếu kiện hành chính. Trong thực tế người dân có thể khiếu kiện một tổ chức đã ban hành văn bản là thông báo. Tại Khoản 7, Điều 48 không nên đưa quy định ủy quyền cho người khác thay cho người khiếu kiện hành chính. Khi ra tòa, người khiếu kiện có thể nhờ luật sư bảo vệ cho quyền lợi của mình. Đề nghị quy định thời hiệu khởi kiện các loại khiếu kiện hành chính rút ngắn thời gian từ 1 năm xuống còn 6 tháng, từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Cần quy định cụ thể hơn nếu tòa triệu tập người khởi kiện mà 2 lần vắng mặt không có lý do chính đáng thì tòa mới tuyên hủy khởi kiện.

* Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD). Các ý kiến  đồng tình việc bảo vệ NTD phải được luật hóa. Các ý kiến đề nghị dự thảo luật phải điều chỉnh để xác định vị trí pháp lý của tổ chức xã hội bảo vệ NTD. Khó nhất hiện nay là NTD không xác định được sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan Nhà nước nào để yêu cầu giúp đỡ bảo vệ khi quyền lợi bị xâm hại. Do đó, cần quy định thống nhất một cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin yêu cầu được bảo vệ của NTD.

Để có bằng chứng bảo vệ NTD, cần phải quy định bắt buộc người bán hàng, cung cấp dịch vụ phải xuất hóa đơn khi thực hiện giao dịch, đồng thời tuyên truyền vận động NTD có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng, sử dụng dịch vụ. Tại Khoản 1, Điều 3 cần quy định rõ hơn về khái niệm NTD vì có người mua hàng, dịch vụ không nhằm mục đích sử dụng mà dùng để khuyến mãi. Tại Điều 13 nên có quy định xử lý đối với hành vi quảng cáo, thông tin về chức năng, công dụng của sản phẩm không đúng sự thật. Tại Điều 12 cần quy định rõ các hộ hoạt động thương mại thường xuyên không đăng ký kinh doanh phải ghi nhãn hàng hóa.

Tin và ảnh: S.T

 

;
.
.
.
.
.