Trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Ủy ban Mặt trận phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) có những cách làm sáng tạo, được nhân dân hết sức đồng tình và đem lại nhiều kết quả to lớn.
Mô hình Hội đồng gia tộc làng
Thi giã gạo tại Lễ hội đình làng Trung Nghĩa. |
Những năm qua, Ủy ban Mặt trận phường Hòa Minh đã vận động các họ tộc ở từng làng họp bầu ra Hội đồng gia tộc làng. (Hòa Minh vốn có 4 làng là Hòa Mỹ, Hòa Phú, Trung Nghĩa và Phước Lý). Mỗi tộc chọn cử một vị bầu vào Hội đồng gia tộc làng và Hội đồng gia tộc làng bầu ra Ban thường trực từ 7-9 vị có trách nhiệm điều hành, xây dựng phong trào họ tộc, tổ chức lễ hội đình làng, tuyên truyền hướng dẫn con cháu thực hiện tang lễ theo nếp sống văn hóa mới…
Hằng năm, Hội đồng gia tộc làng xây dựng chương trình tổ chức lễ hội đình làng, rồi mời đại diện các Ban công tác Mặt trận, đoàn thể, tổ dân phố và các họ tộc trong làng triển khai tổ chức thực hiện; đồng thời vận động các họ tộc đăng ký thi đua xây dựng mô hình “Gia tộc không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; giáo dục con cháu hăng hái phấn đấu, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương; tuyên truyền động viên nhân dân hưởng ứng phong trào “Ông bà-cha mẹ mẫu mực, con cháu-rể dâu hiếu thảo”...
Hội đồng gia tộc làng như chiếc cầu nối giữa lãnh đạo địa phương với các họ tộc, phát huy được sức mạnh toàn dân đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Qua bình xét năm 2009, toàn phường có 25 gia tộc đạt danh hiệu “Gia tộc không có tội phạm và tệ nạn xã hội”.
Nâng cao hiệu quả Lễ hội đình làng
Nhiều năm qua, toàn phường không có trẻ em bỏ học, tỷ lệ học sinh giỏi và học sinh đạt các giải thưởng cao tăng nhanh. Điển hình như các em Huỳnh Minh Toàn ở tổ 3 đoạt Huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế năm 2008; em Tăng Chánh Tín (tổ 6) đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi lịch sử toàn quốc và đỗ thủ khoa Đại học Đà Nẵng năm 2009; em Nguyễn Nhật Minh Phương (tổ 51) đoạt Huy chương vàng Olympic về môn địa lý năm 2010. |
Từ lễ cúng đình do một số vị cao niên chủ chốt trước đây triển khai, lãnh đạo phường Hòa Minh và các Hội đồng gia tộc đã nâng lên thành Lễ hội đình làng. Tại các lễ hội này, Ủy ban Mặt trận phường đã đưa vào nhiều nội dung tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phù hợp với đặc điểm của từng khu phố. Lễ hội đình làng là dịp tuyên truyền giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, gắn kết mọi hoạt động giữa gia đình với họ tộc, tổ dân phố, đoàn thể, thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hằng năm, cả 4 đình làng ở Hòa Minh đều tổ chức lễ hội với nhiều hình thức phong phú và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trong đó phần lễ theo nghi thức cổ truyền, phần hội có nhiều trò chơi dân gian (đập om, tìm báu vật, bịt mắt bắt vịt…) và nhiều hoạt động văn hóa-thể thao (bóng đá, bóng chuyền, kéo co, cắm hoa dâng quả, giao lưu văn nghệ…). Ở Hòa Mỹ và Hòa Phú, lễ hội đình làng tổ chức vào hai ngày 12 và 13 tháng giêng hằng năm; Lễ hội đình làng Trung Nghĩa tiến hành đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3; Lễ hội đình làng Phước Lý tổ chức vào ngày 16-4 âm lịch.
Trong lễ hội có lồng ghép triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương như vận động quỹ khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, tặng quà động viên thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc và chúc mừng thanh niên vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Đặc biệt, Hội đồng Gia tộc làng Hòa Mỹ đã vận động con cháu đóng góp xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa làng và trồng “Vườn cau cội nguồn” bằng cách nam nữ thanh niên khi lập gia đình thì trồng từ 1-2 cây cau tại khuôn viên đình làng.
Xây dựng tổ dân phố như một gia tộc
Phường Hòa Minh hiện có 92 tổ dân phố, trong đó 50 tổ hình thành từ lâu, còn 42 tổ mới thành lập ở các khu tái định cư, chung cư và khu nhà liền kề. 42 tổ này không có họ tộc tại địa phương, do vậy, để xây dựng mối quan hệ thân thiện, gắn kết với phong trào họ tộc của phường, Ủy ban Mặt trận phường đã triển khai xây dựng mô hình “Tổ dân phố như một họ tộc”. Sau khi thảo luận nội dung, tiêu chí, mục đích, bà con đồng tình hưởng ứng và bầu tổ trưởng, tổ phó làm trưởng, phó Hội đồng gia tộc của tổ và cán bộ phụ trách các đoàn thể là thành viên.
Trưởng-phó Hội đồng gia tộc tổ cũng là thành viên Hội đồng gia tộc làng, có trách nhiệm như các họ tộc lâu đời tại địa phương. Mô hình này đã xóa bỏ được những biểu hiện phân biệt “dân gốc” và “dân ngụ cư”, tạo cho mọi người dân đều bình đẳng dưới mái đình làng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương và làm cho các lễ hội đình làng đông vui, khí thế hơn, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bài và ảnh: LÊ VĂN